Diễn biến mới này đã lập tức được đánh giá là đang mở ra hy vọng có thể bắt đầu tiến trình đàm phán hoà bình thực chất nhằm chấm dứt một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại Trung Đông. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng vào một nền hoà bình đúng nghĩa tại quốc gia trên bán đảo Arab.  

ye_hrku.jpeg
Không kích trúng một đám cưới ở Saban, Yemen, 20 người chết. (ảnh: AP)

Căn cứ đầu tiên khiến nhiều nhà phân tích tin rằng cánh cửa hoà bình tại Yemen vẫn chưa thực sự mở ra là sự thờ ơ từ phía Chính phủ Yemen cùng nhóm các nước Vùng Vịnh hậu thuẫn Chính phủ Yemen. Thậm chí, trong tuyên bố đưa ra cùng ngày với tuyên bố của phe nổi dậy, Tổng thống Yemen Mansour Hadi đang sống lưu vong tại Saudi Arabia, còn cảnh báo rằng, Chính phủ Yemen sẽ chỉ chấp nhận đối thoại nếu phe nổi dậy tuyên bố thực thi nghị quyết số 2216 của Hội đồng bảo an LHQ với nội dung đáng chú ý nhất là việc phe nổi dậy phải rút toàn bộ lực lượng khỏi thủ đô Sana và nhiều vùng đất đã chiếm được khác từ quân Chính phủ Yemen.

Theo các nhà phân tích, việc Chính phủ Yemen đặt điều kiện tiên quyết để tiến hành đối thoại không khác nào việc đang khéo léo từ chối ngồi vào bàn đàm phán với phe nổi dậy. Toan tính này của Chính phủ Yemen được cho là xuất phát từ sự thắng thế của quân Chính phủ Yemen (được Liên quân Arab hậu thuẫn), trước các tay súng nổi dậy trong những ngày qua. Quân Chính phủ dường như bắt đầu có niềm tin vào khả năng giành chiến thắng trên chiến trường mà không cần phải tiến hành đàm phán.

Thực tế thứ hai khiến giới phân tích tin rằng, cơ hội tạo lập hoà bình ở Yemen vẫn còn ở rất xa là sự leo thang chiến sự trên thực địa. Kể từ thời điểm phe nổi dậy tuyên bố chấp nhận đàm phán theo kế hoạch hoà bình 7 điểm của LHQ, cả hai bên trong cuộc chiến kéo dài 7 tháng qua vẫn liên tiếp mở thêm các cuộc tấn công mới nhằm vào lực lượng đối địch với cường độ không hề suy giảm so với những ngày trước đó.

Cụ thể, phe nổi dậy đã mở thêm hàng loạt cuộc bắn phá vào các mục tiêu của quân Chính phủ ở tỉnh Taizz và khu vực thủ đô Sana; trong khi Liên quân A rập cũng tăng cường không kích các mục tiêu của phe nổi dậy ở cả Taizz, Sana và Beida. Bên cạnh đó, tỉnh trưởng Sana do Chính phủ Yemen bổ nhiệm, lại vừa lên tiếng kêu gọi các bộ lạc trong vùng tham gia cuộc chiến của quân Chính phủ nhằm giành lại các vùng đất từ phe nổi dậy.

Một số ý kiến nhận định việc hai bên đẩy mạnh chiến sự là nhằm muốn giành lợi thế trên bàn đàm phán trong trường hợp đối thoại được tiến hành. Tuy nhiên, những ý kiến khác lại lo ngại cho rằng, việc đẩy mạnh cuộc chiến sẽ chỉ càng khiến thù hận thêm nặng nề và cuộc khủng hoảng trở nên phức tạp hơn.

Ngoài ra, hầu hết các ý kiến của giới quan sát vẫn cho rằng, việc định đoạt số phận cuộc khủng hoảng Yemen lúc này không còn nằm trong tay nội bộ người Yemen nữa, khi đã có quá nhiều sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc chiến này. Đó là sự hậu thuẫn công khai bằng cả tiền của và sức mạnh hoả lực của Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu dành cho quân Chính phủ Yemen; là sự chống lưng chưa xác định giới hạn của Iran dành cho phe nổi dậy. Bên cạnh cuộc chiến Yemen, giữa Arab và Iran còn có sự đối đầu nhau gay gắt trên nhiều mặt trận, nhiều sự vụ và nhiều vấn đề khác nhau, chủ yếu xoay quanh tham vọng tranh giành sự ảnh hưởng và bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mỗi bên.

Bởi vậy, nhiều ý kiến tin rằng, hoà bình Yemen chỉ có cơ hội được tái lập khi cuộc khủng hoảng đối đầu nhau giữa Saudi Arabia và Iran được hoá giải. Mà khả năng hoá giải cuộc đối đầu giữa hai cường quốc khu vực đồng thời là đại diện cho hai dòng Hồi giáo (Sunny và Shi’ite) đang có nhiều mâu thuẫn và hiềm khích sâu nặng với nhau, chưa biết đến chừng nào mới có hồi kết có hậu.

Đó là chưa kể tới sự biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và khu vực, cũng đang có những sự tác động nhất định đến cuộc khủng hoảng Yemen theo hướng “lành ít dữ nhiều”. Vậy nên xem ra con đường đi tới hoà bình trên quốc gia ở bán đảo Arab hãy còn rất dài và rất xa./.