Hôm qua (21/12), hai cảnh sát đã bị một kẻ có vũ trang bắn chết ngay giữa ban ngày tại thành phố New York, Mỹ khi đang ngồi trong xe tuần tra. Cuộc tấn công hai cảnh sát nói trên diễn ra sau nhiều cuộc biểu tình của người dân trên khắp nước Mỹ về việc cảnh sát da trắng nước này giết hại nhiều người da màu nhưng vẫn không bị xét xử. Vụ việc đang làm gia tăng mâu thuẫn sắc tộc tại nước Mỹ.
Người phát ngôn cảnh sát New York, Lee Jones cho biết, hai nhân viên cảnh sát này bị bắn vào trưa qua. Kẻ sát hại sau đó đã chạy trốn trước khi tự nã đạn vào đầu mình để tự sát tại một nhà ga xe điện ngầm. Tờ Tin tức New York hàng ngày (New York Daily News) cho biết, kẻ sát hại hai cảnh sát có tên là Ismaaiyl Brinsley, 28 tuổi, người da đen, được coi là thành viên của một băng nhóm tội phạm tại Baltimore. Trước đó, tên này đã bắn bị thương bạn gái cũ của mình và đăng nhiều thông điệp đe dọa tấn công cảnh sát trên mạng Instagram. Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua, nhân viên cảnh sát New York bị bắn chết.
Thị trưởng New York, ông Bill de Blasio ngay sau đó đã lên án vụ tấn công và kêu gọi tất cả mọi người hãy thông báo cho nhà chức trách nếu phát hiện bất kỳ thông điệp được đăng tải trên mạng Internet có nội dung đe dọa lực lượng cảnh sát.
“Mặc dù chúng tôi vẫn đang tìm hiểu các chi tiết, nhưng rõ ràng đây là một vụ ám sát. Hung thủ đã thực hiện vụ việc một cách rất đê hèn khi tấn công vào những người thực thi pháp luật. Vụ việc đã gây cho chúng ta một cảm giác là mỗi người dân New York đều cảm thấy họ cũng bị tấn công, toàn bộ thành phố của chúng ta cũng đã bị tấn công bởi cá nhân này."
Theo báo Thời báo New York (New York Post), các nhà điều tra tin rằng đây là vụ ám sát nhằm trả thù cái chết gần đây của những người da màu được cho là do cảnh sát da trắng gây ra.
Đầu tháng này, một bồi thẩm đoàn ra phán quyết không kết tội bất kỳ nhân viên cảnh sát New York nào vì đã gây ra cái chết của một người đàn ông da màu tên Eric Garner.
Nạn nhân tử vong sau khi bị các nhân viên cảnh sát da trắng thuộc Sở Cảnh sát New York siết cổ trong một cuộc trấn áp thô bạo nhằm bắt giữ ông này vì tội bán thuốc lá lậu. Trước đó chưa đầy hai tuần, một cảnh sát da trắng cũng đã bắn chết thiếu niên da màu có tên là Rice, 12 tuổi, khi nhầm tưởng thiếu niên này cầm súng thật đe dọa người đi đường tại một trung tâm giải trí ở Cleveland. Tuy nhiên, điều tra sau đó cho thấy khẩu súng Rice cầm chỉ là đồ chơi nhái mẫu súng lục bán tự động. Các vụ việc đã và đang làm gia tăng mối quan hệ căng thẳng xưa nay trong xã hội Mỹ giữa các cộng đồng dân cư thiểu số với lực lượng cảnh sát chủ yếu gồm những người da trắng. Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có kỳ nghỉ tại Hawaii đã lên án mạnh mẽ vụ sát hại 2 cảnh sát ở thành phố New York.
Tuy nhiên, ông vẫn phải thừa nhận rằng, vẫn tồn tại khoảng cách giữa người da trắng và người da màu: "Giống như phần còn lại của Mỹ, người Mỹ da màu nhìn chung đã có cuộc sống tốt hơn hồi tôi bước vào văn phòng Tổng thống. Tuy nhiên, khoảng cách về thu nhập và giàu nghèo giữa người da trắng và người da màu tại Mỹ vẫn tồn tại và chúng ta còn nhiều việc phải làm để giải quyết điều này”.
Sự kiện Thượng nghị sỹ Obama trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử 232 năm của nước Mỹ đã đánh dấu một bước ngoặt, như một minh chứng rằng cộng đồng người gốc Phi có thể vươn lên thượng tầng kiến trúc. Đó cũng là minh chứng về sự bình đẳng giữa các chủng tộc ở Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều câu hỏi để ngỏ và mâu thuẫn sắc tộc vẫn đang hiện hữu trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội Mỹ như việc làm, nhà ở, giáo dục và tư pháp. Đa phần người da màu thường khó xin việc và nếu có thì họ cũng chỉ được trả mức lương thường thấp hơn so với người da trắng. Mâu thuẫn giữa người da màu và da trắng tại Mỹ luôn gây ra vết thương trong lòng nước Mỹ./.