Nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra như: Mức độ ẩu đả xô xát giữa anh thanh niên da màu với cảnh sát này? Brown đã thực sự giơ tay đầu hàng khi bị bắn?
Nhiều người đặt niềm tin chứng cứ bức ảnh Brown giơ tay. Chính bức ảnh là cái cớ cho hoạt động biểu tình trên phố với khẩu hiệu “Giơ tay lên, đừng bắn”, “Tôi đã giơ tay đầu hàng rồi”. Biểu tượng giơ 2 tay sau đầu được in trên áo phông của những người tham gia biểu tình.
Washington Post dẫn lời một loạt nhân chứng mô tả về hành động này: 1 cô gái nói thấy tay Brown cuộn lại thành nắm đấm. Số khác cho rằng hành động tay giơ lên là một cử chỉ đầu hàng, một số nhân chứng cho biết tay Brown giơ cao và lòng bàn tay hướng về phía trước. Những người khác nghĩ Brown đã chạm vào một vết thương trên cơ thể của mình, thấy máu và bị sốc.
Daily Mail lại đưa lời khai của người đi cùng Brown là Dorian Johnson. Khi cảnh sát Wilson chạy ngang qua, anh này yêu cầu Brown và Johnson đi lên lề đường. Nhưng khi thấy 2 cậu trai phớt lờ mệnh lệnh của mình, anh đã lùi xe lại. Theo lời Johnson, Wilson đã bất ngờ mở cửa và đập cánh cửa vào người Brown. Tiếp đó, 2 người đã tham gia một cuộc vật lộn với nhau. Johnson cho biết có nghe Wilson dọa rằng “Tao sẽ bắn đấy”, trong cuộc giằng co. Cậu nói rằng không thấy Brown đấm Wilson, cũng như có ý định cướp súng của viên cảnh sát.
Tuy nhiên, qua 3 tháng điều tra, ngày càng xuất hiệu mâu thuẫn và sự không khớp trong lời khai của các nhân chứng về những gì họ nghe được. Có người nói chỉ nghe thấy “Tôi không bỏ cuộc… tay lên…”
Có người lại khẳng định Brown rõ ràng có nói rằng: “OK, OK, OK” sau khi cảnh sát dọa bắn.
Theo AP, một số nhân chứng lại cho lời khai không khớp với những gì diễn ra ở hiện trường.
Một tình tiết khác cũng đáng chú ý, hôm 2/12, cảnh sát đã phải gọi cha dượng Michael Brown đến lấy lời khai, cũng như chính thức điều tra ông này vì những thông tin gây nhiễu loạn dư luận sau phán quyết của Tòa án hôm 24/11.
Biểu tình tìm công lý
Trong khi nhiều tình tiết của vụ Ferguson ngày càng trở nên bí ẩn, hoạt động biểu tình phản đối phán quyết của bồi thẩm đoàn Missouri tiếp tục diễn ra. Các nhà hoạt động quyền dân sự Mỹ tuần này “xuống đường” để yêu cầu cải tổ lực lượng cảnh sát. Dự kiến cuộc tuần hành này sẽ kéo dài 7 ngày
Cornell William Brooks, Chủ tịch NAACP nhấn mạnh: “Chúng tôi nỗ lực tìm công lý cho những gia đình phải chịu đựng sự đau khổ vì thiếu công lý”
Mục đích của cuộc tuần hành là yêu cầu điều tra lực lượng cảnh sát Ferguson, cải cách toàn bộ lực lượng cảnh sát quốc gia và chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc.
Về các biện pháp cải cách, NAACP muốn cảnh sát tăng cường sử dụng camera, thay đổi việc sử dụng trang thiết bị quân sự trong cảnh sát, tăng cường đa dạng sắc tộc trong lực lượng cảnh sát, chấm dứt dùng vũ lực đối với các lỗi vi phạm nhỏ.
Hành trình vì công lý là cuộc biểu tình mới nhất trong hàng loạt cuộc tuần hành bùng nổ khắp nước Mỹ sau phán quyết gây tranh cãi của bồi thẩm đoàn, tuần trước./.