Trong một bài phát biểu trước hội đồng ngày 19/11, Đức vua Salman bin Abdulaziz đã khen ngợi ngành tư pháp và cơ quan công tố khi đã "thực hiện nghĩa vụ vì công lý" nhưng vị vua 82 tuổi này lại không hề đề cập đến vụ sát hại nhà báo tờ Washington Post.

suimlangcuavuasaudiarabia_xqxu.jpg
Vua Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz. Ảnh: Reuters

Nhà báo Khashoggi - một người bất đồng chính kiến với Thái tử Saudi Arabia đầy quyền lực Mohammed bin Salman, đã bị giết hại tại lãnh sự quán của vương quốc này tại Istanbul ngày 2/10.

Tuần trước, các công tố viên của Saudi Arabia thông báo rằng 5 kẻ tình nghi trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi có thể sẽ phải đối mặt với án tử hình.

Trong bài phát biểu ngắn, Đức vua nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với Liên Hợp Quốc trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tranh ở Yemen và khẳng định vấn đề Palestine là "ưu tiên hàng đầu của vương quốc này".

Vua Salman cũng tuyên bố rằng Riyadh ủng hộ một giải pháp chính trị ở Syria nhằm đảm bảo cho những người tị nạn quay lại quê nhà, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia vào việc chấm dứt các chương trình tên lửa hạt nhân và đạn đạo của Iran.

Đối với Thái tử, vua Salman chỉ khẳng định Thái tử được định hướng để tập trung vào việc “phát triển khả năng con người và xây dựng một thế hệ mới cho những đòi hỏi công việc trong tương lai" mà không hề đề cập đến vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại.

Bình luận về bài diễn văn của Đức vua được phát sóng trên truyền hình, ông Marwan Kaballan, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Arab cho rằng: "Tôi nghĩ Đức vua muốn cả thế giới biết rằng ông đang đứng về phía con trai mình (Thái tử Mohammed bin Salman). Điều này được thể hiện rõ trên 2 khía cạnh: về kinh tế, ông nói về các ngành tư nhân và điều đấy phần nào liên quan đến tầm nhìn 2030 của Thái tử. Ngoài ra, ông đã kết thúc bài phát biểu bằng cách nói về sự tin tưởng của mình với hệ thống tư pháp". Nói cách khác, vua Salman bin Abdulaziz tin tưởng vào một hệ thống tư pháp luôn khẳng định Thái tử Saudi Arabia không biết gì về vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại. Bất chấp những bằng chứng được công bố, Đức vua thể hiện rõ quan điểm, ông đứng về phía con trai mình.

Không lâu sau bài phát biểu của Đức vua Saudi Arabia, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo rằng Berlin đã quyết định cấm nhập cảnh đối với 18 quan chức Saudi Arabia liên quan tới vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại. Ngoài ra, các quan chức này cũng bị cấm nhập cảnh khu vực Schengen ở 26 quốc gia thành viên./.