Theo kế hoạch, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc vào đêm 22/2 (theo giờ Việt Nam) sẽ thảo luận và bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết tăng cường tiếp cận viện trợ nhân đạo cho Syria. Việc bỏ phiếu lùi lại một ngày do Nga yêu cầu có thêm thời gian để xem xét bản dự thảo nghị quyết được phương Tây hậu thuẫn. Nga lo ngại một số nước phương Tây lợi dụng vấn đề nhân đạo để dọn đường cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập Syria qua biên giới nước này.

Dưới sự hậu thuẫn của phương Tây, Australia, Luxembourg và Jordan đã hoàn thành bản dự thảo nghị quyết về tăng cường viện trợ nhân đạo cho Syria. Dự thảo bao gồm những điểm chính: yêu cầu được vận chuyển viện trợ qua biên giới, chấm dứt pháo kích và bắn phá trên không và đe dọa sẽ “đưa ra các bước tiếp theo” trong trường hợp Syria không tuân thủ. 

syria%20ty%20nan_copy.jpg
Những người tỵ nạn Syria đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn (Ảnh AFP)

Đáng chú ý trong bản dự thảo nghị quyết trên là vấn đề tiếp cận viện trợ nhân đạo qua biên giới Syria và việc đe dọa áp đặt trừng phạt trong trường hợp Chính phủ Syria không tuân thủ quy định. Đây là những vấn đề mà Nga lo ngại, vì cho rằng việc viện trợ nhân đạo rất có thể bị lợi dụng để mở đường cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria.

Có lẽ đây cũng chính là lý do mà Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có chuyến thăm Iraq, quốc gia láng giềng của Syria trước khi Hội đồng bảo an thảo luận về nghị quyết viện trợ nhân đạo cho Syria. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari tại Thủ đô Baghdad, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, nghị quyết của Hội đồng bảo an cần loại bỏ việc tiếp cận viện trợ nhân đạo qua biên giới Syria và cần được sự cho phép của Chính phủ Syria.

Ông Lavrov cho biết: “Viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cần phù hợp với luật nhân đạo quốc tế. Chúng ta đã có nhiều ví dụ cho thấy không phải lương thực, thuốc men mà là vũ khí và các khí tài khác cung cấp cho các tay súng đã được vận chuyển qua biên giới mà không hỏi bất kỳ ai. Nhiều người lo ngại họ có thể sử dụng những biện pháp hỗ trợ để cung cấp vũ khí”.

Trước đó, Ngoại trưởng Lavrov đã cảnh báo Nga sẽ ngăn cản một dự thảo nghị quyết cho phép triển khai viện trợ nhân đạo qua biên giới Syria mà không nhận được sự chấp thuận của Chính phủ nước này.  

Ngoại trưởng Nga cũng đã cáo buộc chính sách của Mỹ về Syria đang khuyến khích việc tài trợ và tiếp tay cho "các tổ chức khủng bố" ở nước Trung Đông này. Theo ông Lavrov, điều này sẽ chẳng mang lại gì ngoài việc góp phần làm leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột tại Syria. Bên cạnh đó, truyền thông Syria ngày 20/02 đã cáo buộc Jordan âm mưu khuấy động phong trào nổi dậy ở miền Nam Syria khi cùng với sự hỗ trợ của Mỹ và Saudi Arabia có kế hoạch huấn luyện hàng nghìn tay súng cho lực lượng đối lập Syria tại Jordan.

Nhật báo "Al-Thawra" của Chính phủ Syria nhận định mặt trận phía Nam hiện đang là khu vực nổi cộm nhất sau khi kế hoạch này được thảo luận rộng rãi dưới sự bảo hộ của Jordan. Theo báo này, sự hiện diện của Jordan trong kế hoạch của Mỹ ngày càng thể hiện rõ ràng, và làm dấy lên nguy cơ làm gia tăng căng thẳng tại Syria.

Không bình luận trực tiếp về nội dung dự thảo nghị quyết viện trợ nhân đạo cho Syria do phương Tây đưa ra, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngày 20/02 thúc giục cộng đồng quốc tế tập trung vào việc tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Bà Hoa Xuân Doanh cho biết: “Chúng tôi tin rằng trong bối cảnh hiện nay, hành động của Hội đồng bảo an cần giúp thúc đẩy một giải pháp chính trị tại Syria và đưa các bên tham chiến ngồi vào bàn đàm phán. Các hành động liên quan cần phù hợp các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc về viện trợ nhân đạo”.

Nga ban đầu bác bỏ dự thảo nghị quyết trên, cho rằng không công bằng khi đổ tất cả lỗi cho Chính phủ Syria trong cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia hiện có khoảng 9,3 triệu người cần được giúp đỡ. Tuy nhiên, Nga đã đề xuất một dự thảo riêng rẽ và đã được các nước Australia, Luxembourg và Jordan xem xét và đưa một số gợi ý vào dự thảo của họ. Hiện chưa rõ các bên có thể thu hẹp bất đồng để có thể thông qua bản nghị quyết về viện trợ nhân đạo cho Syria hay không.

Nga cùng với Trung Quốc đã từng phủ quyết một số nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc lên án Chính phủ Syria cũng như những lời đe dọa sẽ đưa ra biện pháp trừng phạt trong trường hợp cần thiết./.