Hãy thử tưởng tượng về cuộc sống ở Iraq, không một ngày nào là không có những dân thường vô tội bị sát hại và vô số những người khác bị thương vì các vụ đánh bom.
Người dân Iraq phải đối mặt với nguy hiểm khi dự lễ tại nhà thờ Hồi giáo, hay ở tại các trường học, trên đường phố, khu trung tâm mua sắm… không nơi đâu họ có thể tìm thấy sự an toàn.
Một cậu bé Iraq bị tàn phế sau một vụ đánh bom (Ảnh: AP) |
An toàn, an ninh là một trong những thách thức lớn nhất đối với đất nước Iraq ngày hôm nay và đó dường như là bài toán khó mà những người lâu nay “rêu rao” sẽ mang lại nền dân chủ cho Iraq vẫn đang loay hoay tìm lời giải.
Năm 2008 và 2013 được ghi nhận là 2 năm đẫm máu nhất ở Iraq kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia này hồi năm 2003. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, hơn 8.000 người đã bị sát hại ở Iraq vào năm 2013, trong số đó, phần lớn nạn nhân là dân thường vô tội.
Số liệu thống kê từ Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng Iraq cho thấy có tới 1.013 người đã thiệt mạng ở Iraq chỉ trong tháng 1/2014. Trong đó có tới 795 dân thường, 122 binh lính và 96 cảnh sát.
Những con số thống kê “khủng khiếp” này cho thấy, đất nước Iraq sẽ tiếp tục phải đối mặt với một năm 2014 đầy thách thức khi vòng xoáy bạo lực vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Trong khi Chính phủ Iraq đang phải vật lộn với những khó khăn để kiểm soát tình hình và ngăn chặn tình trạng đổ máu hiện nay thì Mỹ, Anh, Israel, Saudi Arabia và những đồng minh của họ như Thổ Nhỹ Kỳ, Jordan… lại không ngừng viện trợ vũ khí cho các nhóm nổi dậy có liên hệ với Tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Iraq rơi vào tình trạng bất ổn “chưa từng thấy”
Tình trạng bao lực khủng khiếp hiện nay ở Iraq “tăng lên mức chưa từng thấy” kể từ sau khi lực lượng an ninh của Iraq tiến hành giải tán một trại biểu tình hôm 30/12/2013 sau khi cáo buộc đây là cơ sở của các chiến binh khủng bố.
Việc giải tán trại biểu tình này đã vấp phải sự phản đối của một bộ phận các nhà lập pháp Iraq, họ đã kêu gọi quân đội phải rời khỏi thành phố Ramadi. Tuy nhiên, việc rút lui của lực lượng an ninh Iraq lại mở đường cho nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) giành quyền kiểm soát ở Ramadi và thành phố Fallujah lân cận.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) được cho là có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda. ISIL vốn đã nổi tiếng vì có liên quan đến một số vụ bạo lực đẫm máu nhất tại Iraq cũng như ở Syria. ISIL cũng chính là đầu mối trung chuyển vũ khí và các chiến binh từ Iraq vào chiến trường Syria.
Các vụ đánh bom ở Iraq lâu nay đã không còn là chuyện hiếm (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, trong một bài phát biểu hồi cuối tháng 1/2014, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cho rằng, việc phương Tây trang bị vũ khí cho quân nổi dậy tại Syria cùng đồng nghĩa với việc cung cấp vũ khí cho lực lượng khủng bố tại Iraq.
Phát biểu trên truyền hình, ông Maliki cho rằng: "Cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm hỗ trợ chúng tôi và giúp đỡ tất cả những ai chống khủng bố. Cho phép vũ khí đến tay các tổ chức khủng bố và lực lượng cực đoan ở Syria chẳng khác nào hỗ trợ cho những kẻ khủng bố tại Iraq".
Ông Maliki cũng tiết lộ thông tin cho biết, an ninh của Iraq đã bắt được các đoàn xe chở vũ khí từ Syria trên đường sang Iraq. Thủ tướng Maliki nói: “Tôi đã khẩn thiết yêu cầu các quốc gia từng nhắc đến việc hỗ trợ vũ khí cho các nhóm vũ trang ở Syria xem xét lại hoạt động này. Tôi nói với họ rằng, các bạn đang hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố tại Iraq".
Ai hưởng lợi?
Một bài báo được đăng tải trên tờ New York Times cho hay, CIA, Chính phủ của một số quốc gia Arab và Thổ Nhỹ Kỳ đã có kế hoạch tăng viện trợ cho các chiến binh nổi dậy ở Syria một cách có hệ thống trong những tháng tới đây.
Washington công khai thừa nhận việc cam kết viện trợ quân sự cho các chiến binh nổi dậy ở Syria chiến đấu chống lại Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Điều đáng nói là Mỹ cũng không dám chắc những gói hàng viện trợ này có bị rơi vào tay các nhóm nổi dậy có liên hệ với al-Qaeda đang chiến đấu ở Syria hay không. Trớ trêu thay, Mỹ cũng đang giúp Chính phủ Iraq để chống lại al-Qaeda ở Iraq.
Ngày 17/1 hãng tin Fox News đưa tin, Mỹ đã đồng ý gửi các loại vũ khí mới tới Iraq để đẩy lùi các chiến binh có liên hệ với al-Qaeda đang kiểm soát Fallujah theo yêu cầu của Thủ tướng Maliki.
Ngày 27/1, Lầu Năm Góc đã thông báo với Quốc hội Mỹ về kế hoạch bán 24 máy bay trực thăng tấn công Apache cho Iraq theo một thỏa thuận trị giá 4,8 tỷ USD nhằm giúp chính quyền Baghdad trong cuộc chiến với phiến quân.
Trước đó, hồi đầu tháng 1/2014, quân đội Mỹ cho biết họ đang chuẩn bị chuyển giao hàng ngàn khẩu súng M-16, súng trường tấn công M-4, cũng như đạn dược để giúp lực lượng Iraq chống lại các chiến binh ở phía Tây. Các quan chức Mỹ cũng cho biết, Washington đang xem xét việc đào tạo lực lượng quân đội Iraq ở nước thứ ba.
Những gói viện quân sự mà CIA cung cấp cho các nhóm có liên hệ với al-Qaeda chiến đấu ở Syria được Saudi Arabia, Qatar và Jordan tài trợ và được chuyển giao thông qua kênh an toàn là Thổ Nhỹ Kỳ.
Saudi Arabia, Qatar (quốc gia theo chế độ quân chủ tuyệt đối), Jordan từ lâu vẫn tự coi mình là “biểu tượng” của nền dân chủ ở Trung Đông và cho rằng họ đang giúp Mỹ mang lại nền dân chủ cho Syria.
Trẻ em vẫn là những người thiệt thòi nhất khi chiến tranh xảy ra (Ảnh: AP) |
Theo một số báo cáo gần đây, nhà chức trách Iraq đã bắt giữ được một số lô hàng vũ khí của những kẻ khủng bố có nguồn gốc từ Israel. Theo Damas Post, các lô hàng bao gồm các loại vũ khí hiện đại được sản xuất bởi Israel đã được chuyển giao cho phe đối lập Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau đó, chúng đã được chuyển đến các kho hàng đặc biệt trên biên giới Syria, nơi vũ khí được phân phối cho các chiến binh. Tuy nhiên, tại sao số vũ khí này lại xuất hiện ở Iraq vẫn còn là điều bí ẩn.
Mặc dù vậy, có một điều mà ai cũng rõ, đó là động cơ của những kẻ khủng bố, mong muốn duy nhất của chúng là bạo lực, đổ máu và bất ổn. Các phương tiện truyền thông đã chỉ ra rằng, rất nhiều người chiến đấu trong hàng ngũ những kẻ khủng bố đã được trả tự do với điều kiện họ phải cầm vũ khí để chống lại dân thường cũng như Chính phủ Iraq, Syria.
Có thể nói, một trong những bên được hưởng lợi nhiều nhất từ sự hỗn loại hiện nay ở Trung Đông là Israel bởi với những gì đang diễn ra, mọi sự quan tâm chú ý của thế giới đang đổ dồn vào Iraq và Syria. Israel vì thế mà tạm thời tránh được sự “soi xét” của quốc tế về tranh chấp lãnh thổ với Palestine.
Trung Đông liệu có bình yên?
Giới phân tích cho rằng, căng thẳng giữa hai cộng đồng người Hồi giáo Sunni và Shiite là một trong những nguyên nhân làm cho Trung Đông không bình yên trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, liệu họ có phải thực sự là kẻ thù của nhau? Hay chỉ là quân cờ để một bên thứ ba trục lợi?
Nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo và các học giả như Đại giáo chủ, Ayatollah Khamenei – lãnh đạo tối cao của Iran và Thủ lĩnh Hồi giáo Grand Ayatollah Sistani của Iraq đã không ít lần kêu gọi những người Hồi giáo cùng nhau đoàn kết để chiến đấu chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và bá quyền.
Những người thường “vỗ ngực” tự hào về tự do dân chủ đã và đang làm ngược lại những gì họ từng tuyên bố để giúp người dân Iraq và Syria có tiếng nói hơn đối với vận mệnh của đất nước họ. Phương Tây có thể đạt được mục tiêu ngắn hạn của họ thông qua sức mạnh tài chính và quân sự, nhưng về lâu về dài, chắc chắn họ sẽ là những kẻ chiến bại.
Chính vì vậy, có thể nói, những quốc gia đang cung cấp vũ khí, hậu cần cho lực lượng nổi dậy ở Syria phải chịu trách nhiệm về tình hình bạo lực tràn lan ở Iraq hiện nay. Đây là sự thật mà Mỹ và phương Tây vẫn đang tìm mọi cách để che giấu/.