Trong một động thái được dư luận Australia mong đợi, ngày 20/8, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã không đưa mục tiêu cắt giảm 26% khí hiệu ứng nhà kính như đã cam kết trong Thỏa thuận Paris vào trong dự luật Đảm bảo năng lượng quốc gia. Thay vào đó, dự luật này sẽ chỉ tập trung vào việc hạ giá điện nhằm giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho các gia đình Australia.
Trước đó, dự luật này bị đe dọa sẽ không thể thông qua tại Quốc hội do không chỉ bị Công đảng đối lập phản đối mà ngay chính các thành viên trong Đảng Tự do và liên minh cầm quyền cũng không ủng hộ khi nó đưa mục tiêu cắt giảm 26% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 thành điều luật buộc các bên phải thực hiện.
Sự phản đối gay gắt đến mức một số chính trị gia thuộc liên minh cầm quyền như cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố sẽ chống lại dự luật còn Bộ trưởng an ninh nội địa Peter Dutton đe dọa sẽ thách thức vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Malcolm Turnbull.
Sở dĩ nhiều nhà chính trị Australia không muốn biến cam kết cắt giảm 26% khí thải gây hiệu ứng thành điều luật vì để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua các thiết bị sử dụng công nghệ mới, thải ít khí gây hiệu ứng nhà kính hơn. Chưa kể, khai thác than đá đang là một ngành kinh tế quan trọng của Australia khi 73% điện được sản xuất từ than đá. Vì vậy nếu luật pháp Australia quy định phải cắt giảm 26% khí hiệu ứng gây nhà kính vào năm 2030 sẽ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, ngành khai thác than và việc sản xuất điện tại nước này.
Nếu chính phủ cương quyết lồng cam kết này vào dự luật Đảm bảo năng lượng quốc gia thì nhiều khả năng sẽ không nhận đủ số phiếu ủng hộ cần thiết tại Quốc hội. Và nếu dự luật này không được thông qua sẽ khiến người dân Australia rất tức giận do điều mà họ mong đợi nhất trong dự luật này là việc luật pháp bắt buộc các công ty năng lượng giảm giá điện không thể thành hiện thực.
Hiện tại không phải là thời điểm mà chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull có thể bỏ qua dư luận. Theo kế hoạch, vào năm tới, Australia sẽ tổ chức bầu cử. Trong khi đó, liên minh cầm quyền đã thất bại trong cuộc bầu cử bổ sung vừa diễn khi không nhận thêm được bất kỳ một ghế nào trong tổng số 5 ghế đang trống. Đây chính là tín hiệu cho thấy chính phủ liên minh chưa thực sự được lòng dân và cần phải thận trọng và nỗ lực nhiều hơn nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Có lẽ cũng vì lý do này mà những thành viên chủ chốt trong liên minh cầm quyền phản đối mạnh mẽ khiến Thủ tướng Malcolm Turnbull phải thay đổi quan điểm để không đẩy liên minh đối mặt với rủi ro có thể khiến họ phải đánh đổi bằng việc mất lá phiếu ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Không thể đưa mục tiêu cắt giảm 26% khí thải gây hiệu ứng nhà kính thành điều luật nhưng không có nghĩa là Australia sẽ không thực hiện cam kết này. Chính phủ Australia sẽ đưa mục tiêu này vào trong các quy định, loại văn bản có mức độ cam kết thấp hơn và ít ràng buộc hơn so với điều luật. Mặc dù đây là một bước lùi đáng kể trong nỗ lực bảo vệ bầu khí quyển song bối cảnh hiện nay, Thủ tướng Malcolm Turnbull dường như không có sự lựa chọn nào khác. Bởi vào thời điểm hiện tại, nếu chỉ quan tâm đến bảo vệ môi trường mà không coi trọng mong mỏi của người dân thì sẽ không chỉ Thủ tướng Malcolm Turnbull mà nhiều nghị sỹ khác của Australia có thể sẽ phải đánh đổi cả sinh mạng chính trị./.LHQ cảnh báo tính cấp bách của việc thực thi thỏa thuận Paris