Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức môi trường G7 trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận lịch sử Paris về biến đổi khí hậu.
Diễn ra trong bối cảnh Mỹ, nền kinh tế lớn nhất trong nhóm G7 vừa tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Pari, cuộc họp Bộ trưởng Môi trường G7 ngày hôm qua lại chứng kiến sự đồng lòng chưa từng có của 6 quốc gia còn lại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu với báo chí sau ngày làm việc đầu tiên, Bộ trưởng Môi trường Italy Gian Luca Galletti, nước chủ nhà hội nghị tuyên bố, Italy và tuyệt đại đa số các nước đều xem thỏa thuận Paris là “không thể đảo ngược cũng như không thể đàm phán lại”.
“Lập trường trong nhiều vấn đề, đặc biệt là đối với thỏa thuận Paris có thể khác nhau song điều quan trọng là không thể đi lạc hướng. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần phải duy trì đối thoại, tiếp tục làm việc với nhau dù quan điểm có khác nhau”, ông Galletti nói.
Theo người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc Erik Solheim, các cuộc thảo luận ngày 11/6 đã nhấn mạnh “quyết tâm tuyệt đối” của 6 quốc gia thành viên khác của G7 thúc đẩy các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bất chấp lập trường của nước thành viên còn lại là Mỹ.
Theo ông Erik Solheim, trong lĩnh vực tư nhân, các doanh nghiệp lớn, trong đó có cả tại Mỹ đều khẳng định, họ ủng hộ một hành động mạnh mẽ trong vấn đề khí hậu.
Rất nhiều việc làm mới đã được tạo ra trong nền kinh tế xanh và năng lượng tái sinh, lợi ích thu được là rất lớn, lớn hơn nhiều so với nền kinh tế sử dụng nhiêu liệu hóa thạch.
“Chúng ta không cho phép một quốc gia làm trệch hướng những gì mà 190 quốc gia khác đang làm và thực tế là lĩnh vực tư nhân tại Mỹ cũng sẵn sàng hành động vì môi trường. Tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Chúng ta cần sự lãnh đạo của Mỹ về khí hậu, thương mại, hòa bình ở mọi khu vực trên thế giới. Song nếu chính phủ Mỹ không sẵn sàng, chúng ta sẽ tìm kiếm sự lãnh đạo ở những khu vực khác”, ông Erik Solheim nói.
Tại Hội nghị G7 về Môi trường này, Chính phủ Mỹ cũng cử đại diện tham dự là người đứng đầu Cơ quan bảo vệ Môi trường nước này Scott Pruitt, song đây lại là một sự xuất hiện “khá chớp nhoáng” và không có bất kỳ tuyên bố công khai nào. Ông Scott Pruitt cũng một trong những người ủng hộ chính việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris.
Đây là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được 195 nước ký kết và có hiệu lực từ tháng 11/2016, với những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.
Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Theo thỏa thuận Paris, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 26-28% lượng khí thải so với năm 2005.
Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 lần này diễn ra đúng 10 ngày sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ dư luận trong nước và quốc tế.
Và cũng chính vì thế, những kỳ vọng đối với hội nghị này hiện khá thấp. Các kế hoạch của Tổng thống Donald Trump nhằm đàm phán lại một thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ đã bị các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Italy khước từ.
Sau ngày làm việc đầu tiên, các nước tham dự đều thừa nhận, những khác biệt giữa Mỹ và các nước còn lại trong G7 trong vấn đề môi trường vẫn tồn tại và chiều hướng này khó có thể đảo chiều.
Điều này sẽ được thể hiện rõ trong tuyên bố chung của Hội nghị. Phái đoàn Mỹ có thể sẽ chỉ chấp nhận một cách dè dặt một số điểm hoặc thậm chí có thể là lần đầu tiên bác bỏ hoàn toàn các điểm được nêu trong tuyên bố chung. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng kỳ vọng, ý chí bảo vệ môi trường có thể vượt ra khỏi mọi quyết định của các Chính phủ.
Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna đã cam kết làm việc với mọi đối tác đặc biệt là các đối tác phi chính phủ những người mong muốn bảo vệ môi trường, ngầm ám chỉ các thành phố và bang của Mỹ phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump.
Cũng với lập trường này, Đức và lãnh đạo bang California của Mỹ hôm 10/06 vừa qua đã nhất trí cùng nhau hành động để đảm bảo các mục tiêu của thỏa thuận Paris.
Trong suốt tuần qua tại Bologne, một loạt sáng kiến của các xã hội dân sự cũng nhấn mạnh việc bao vệ khí hậu, tăng trưởng bền vững và bảo vệ đại dương.
Chiều 10/6, khoảng 1.000 sinh viên đã tuần hành hòa bình tại trung tâm thành phố, dưới sự giám sát của cảnh sát. Những người biểu tình dương cao khẩu hiệu “Không có hành tinh B”./.
Nội bộ nước Mỹ tranh cãi nảy lửa về việc rút khỏi hiệp định Paris