Ngày 8/6, Hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra ở lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, bước sang ngày họp thứ 2 và cũng là ngày họp cuối cùng. Vấn đề biến đổi khí hậu là nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo G7 tại ngày họp thứ 2. Bên cạnh đó, ngày 8/6, lãnh đạo G7 cũng tiến hành đối thoại mở rộng với các đại diện đến từ châu Phi và Arab, trong đó có nội dung về y tế và chống khủng bố.
Biến đổi khí hậu là chủ đề quan trọng của Hội nghị G7 | ||
Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cam kết thắt chặt các tiêu về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tại ngày họp cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G7 ở lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, Thủ tướng Đức Merkel bày tỏ hi vọng sẽ làm sống lại các tiêu chí xanh thông qua việc thúc giục các quốc gia công nghiệp G7 nhất trí với các mục tiêu phát thải cụ thể, trước Hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc, dự kiến diễn ra tại Paris vào cuối năm nay.
Tổng thống Pháp Francois Hollande, người sẽ chủ trì Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vào cuối năm nay, cũng đang tìm kiếm một cam kết đầy tham vọng từ các nước G7 nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050. Ông Hollande cũng muốn thúc đẩy một cam kết tài chính nhằm hỗ trợ các quốc gia nghèo chuyển đối lĩnh vực năng lượng, góp phần làm giảm lượng khí thải cácbon.
Trước đó, Nhật Bản cũng cho biết sẽ ủng hộ các nước G7 trong việc thiết lập mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Thủ tướng Cadana Stephen Harper có chấp nhận các mục tiêu về khí hậu mà các nhà lãnh đạo Đức và Pháp mong muốn hay không.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Thủ tướng Cadana, ông Stephen Lecce cho biết, nước này ủng hộ một thỏa thuận tại Paris, song thỏa thuận này cần phải bao gồm cam kết cắt giảm khí thải từ tất cả các nước.
Trước đó, trong ngày họp đầu tiên, các nhà lãnh đạo G7 đã tiến hành thảo luận một số chủ đề bao gồm kinh tế; thương mại và các tiêu chuẩn; chính sách an ninh và đối ngoại. Hai nội dung khủng hoảng nợ của Hy Lạp và vấn đề Ukraine, tuy không phải là nội dung chính, song được hầu hết các nhà lãnh đạo G7 đề cập đến trong các phát biểu của mình.
Liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với Nga, Thủ tướng Đức Angerla Merkel và Tổng thống Mỹ Obama cho biết sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Moscow nếu Thoả thuận hoà bình Minsk được triển khai theo đúng kế hoạch.
Thủ tướng Đức Merkel nói: “Tôi cho rằng chúng ta sẽ gửi một tín hiệu thống nhất. Các biện pháp trừng phạt sẽ không chấm dứt mà sẽ được sử dụng khi cần thiết. Chúng tôi luôn nói rằng việc gia hạn thêm hoặc tạm dừng các biện pháp trừng phạt phụ thuộc vào việc thự thi thỏa thuận Minsk.”
Về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker kêu gọi Hy Lạp nhanh chóng đưa ra những đề xuất cải cách mới, đồng thời cho biết ông sẽ gặp Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vào giữa tuần tới để thảo luận về khủng hoảng nợ của Athens. Hội nghị G7 dự kiến sẽ bế mạc chiều 8/6 (theo giờ địa phương) với một tuyên bố chung./.