Cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Hy Lạp và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) đều là những chủ đề nóng trong chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao lần này, dù một số hồ sơ được dự báo là sẽ không đạt bước đột phá nào.

Diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/6, Hội nghị cấp cao nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới đề cập các hồ sơ quốc tế lớn hiện nay. Tuy nhiên, điều hiếm hoi từ nhiều năm nay là không phải các vấn đề kinh tế hay trốn thuế, mà cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo mới là những nội dung chiếm phần lớn thời gian các cuộc tranh luận. Ngoài ra là các vấn đề như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hồ sơ Hy Lạp. 

1151875917_g7_gipfel_obama_zr_36_20150607_121006_qrmg_egty.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel trước Hội nghị G7 (ảnh: DPA)

Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất những ngày qua là: Bước tiến nào sẽ đạt được trong vấn đề Ukraine khi thiếu bóng Nga? Tình trạng xung đột leo thang dữ dội trở lại những ngày qua tại Donetsk đã nhắc người ta nhớ lại rằng, Ukraine vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và tới nay vẫn không có một lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng. Một lộ trình hòa bình đã được thông qua hồi tháng 2, song thỏa thuận hòa bình Minsk lần thứ 2 này chỉ được các bên liên quan thực thi một cách có giới hạn.

Các nước thành viên nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), gồm Đức, Canada, Mỹ, Pháp, Italy, Nhật Bản và Anh, chắc chắn sẽ không thể bỏ qua vấn đề này trong các chương trình nghị sự, song một điều  được dự báo trước là các cuộc thảo luận sẽ không đi đến đâu, mà nguyên nhân chính là do sự thiếu vắng của một trong những tác nhân quan trọng là Nga.

Đây là lần thứ 2 Nga không tham dự hội nghị mà cho đến năm ngoái vẫn được gọi là nhóm G8 do những bất đồng lập trường liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Song chính điều này lại khiến cho hồ sơ Ukraine tiếp tục trở nên bế tắc.

Trong một phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cũng phải thừa nhận thực tế này: “Chúng tôi không có ý định duy trì nhóm G7 dưới hình thức như hiện nay. Chúng ta cần Nga để giải quyết một loạt vấn đề liên quan tới tới các cuộc xung đột đang bế tắc hiện nay tại châu Âu, Syria, Iraq và Libya cũng như chương trình hạt nhân Iran.”

Nội dung thứ 2 được dự báo sẽ làm nóng nghị trường là cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Do không thể đưa ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine, các nước tham dự sẽ dành phần lớn thời gian để thảo luận về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đang lan tràn không chỉ tại Syria và Iraq, mà còn đang gây ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khu vực như Libya và Nigeria. Đây cũng là vấn đề giành được sự ưu tiên hàng đầu của nước chủ nhà Đức và được thể hiện rõ qua danh sách khách mời.

Tại ngày họp thứ 2, hội nghị sẽ chứng kiến sự tham dự của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi và 5 nhà lãnh đạo châu Phi. Đây sẽ là dịp để xem xét những hỗ trợ mà nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu có thể dành cho những nước này không chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn trong phát triển.

Dù không phải là mục tiêu của cuộc họp G7 lần này, song hồ sơ Hy Lạp cũng sẽ được lãnh đạo các nước tham dự đề cập tới, bởi Hy Lạp đang rất cần tiền trong những ngày tới để tránh nguy cơ vỡ nỡ. Song việc Hy Lạp cách đây vài ngày bất ngờ thông báo đã được phép hoãn thanh toán các khoản nợ của Quỹ tiền tệ quốc tế tới cuối tháng 6 để tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán, thì vấn đề Hy lạp không còn mang tính khẩn cấp nữa.

Không chỉ giới hạn ở những hồ sơ nóng này, hội nghị cấp cao nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu cũng sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau như thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và Liên minh châu Âu, tình trạng kháng thuốc kháng sinh, cuộc chiến chống lại các bệnh nhiệt đới, nạn đói trên thế giới, tình trạng ô nhiễm các đại dương hay thúc đẩy quyền phụ nữ.

Tuy nhiên một trong những chủ đề được ưu tiên hàng đầu là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mà cụ thể là Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 dự kiến diễn ra cuối năm nay tại thủ đô Paris, Pháp. Hội nghị này được xem là cơ hội để các bên tiến tới một thỏa thuận mang tính ràng buộc không để nhiệt độ Trái Đất tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều nỗ lực đạt được thỏa thuận về nhiều điểm ngay trong dịp cuối tuần này trước khi nhóm họp tại thủ đô Paris và hi vọng sẽ có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa./.