Trước đó, ông John Kirton, Giám đốc trung tâm tham vấn G7 Research Group, đã xác nhận rằng tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay.

Báo Yomiuri của Nhật Bản cũng cho biết Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ đề cập đến mối quan ngại về những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. 

1_e03bd_sniv.jpg
 Lãnh đạo G7 nhóm họp tại miền nam nước Đức ngày 8/6 (Ảnh: AP)

Hội nghị thượng định G7 được tổ chức trong 2 ngày 7 và 8/6 tại thành phố Garmisch-Patenkirchen, miền Nam nước Đức. Dự kiến Hội nghị sẽ đề cập đến nhiều vấn đề nóng của thế giới như vấn đề khủng khoảng Ukraine, vấn đề khủng bố, vấn đề nợ công Hy Lạp.

Trước khi đến với Hội nghị G7 lần này, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cải tạo các bãi đá ngầm trên Biển Đông trong thời gian gần đây đồng thời kêu gọi các nước khác ngăn cản hành động của Trung Quốc.

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Herminio Coloma cho biết, Manila hiện đang tích cực tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là qua những chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Aquino.

Trả lời phỏng vấn báo chí, phát ngôn viên Coloma nói rằng quan điểm của Philippines là “đàm phán để tiến tới giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông".

Ông Coloma nhấn mạnh thêm, những chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Philippines như chuyến công du đến Nhật Bản trong thời gian gần đây hay chuyến công du châu Âu trong năm ngoái đều nhằm truyền đi thông điệp này.

 “Lập trường của nhiều nước mà ông Aquino ghé thăm là tôn trọng giá trị  tự do hàng không và hàng hải, cũng như tiến trình trật tự của thương mại toàn cầu”, phát ngôn viên Coloma nói./.