Ngày 1/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã bật đèn xanh cho phép Ba Lan nhận gói hỗ trợ tài chính hơn 35 tỷ euro nằm trong Kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro, bất chấp các ý kiến chì trích về việc Ba Lan chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về Nhà nước pháp quyền của Liên minh châu Âu (EU).
Đây là số tiền dự kiến được phân bổ cho Ba Lan theo Kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro được các quốc gia EU thông qua cách đây gần 1 năm nhưng bị hoãn lại do Ba Lan không đáp ứng được các tiêu chí về cải cách nhà nước pháp quyền của EU.
Quyết định trên của EC đã vấp phải sự phản đối từ nhiều uỷ viên và nghị châu Âu, trong đó đáng chú ý là từ hai Phó chủ tịch EC Margrethe Vestager và Frans Timmermans. Các chính trị gia này cho rằng, EU đã hy sinh những giá trị cơ bản để lấy lòng Ba Lan.
Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Ba Lan đóng vai trò dẫn đầu trong các phản ứng của EU. Quốc gia này đã tiếp nhận khoảng 2,5 triệu người Ukraine di cư, nhiều nhất trong số các nước thành viên EU và là thành viên tích cực nhất trong việc hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine.
Chủ tịch EC bà Usurla Von der Layen đánh giá Ba Lan đã cam kết cải thiện môi trường đầu tư của đất nước, trong đó bao gồm các cải cách toàn diện cơ quan tư pháp nhằm tăng cường tính độc lập của Toà án và công việc của các thẩm phán.
Phát biểu trong phiên họp báo, Uỷ viên phụ trách Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni cho biết: “Chúng tôi tin tưởng nếu Kế hoạch phục hồi kinh tế của Ba Lan được thông qua, nhiều cam kết sẽ được thực hiện và chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết này”.
Theo kế hoạch, Chủ tịch EC Von de Leyen sẽ tới Ba Lan ngày 2/6, để đánh giá kế hoạch phục hồi kinh tế và thống nhất lộ trình cải cách tư pháp với các nhà lãnh đạo nước này trước khi Ba Lan có thể nhận khoản giải ngân đầu tiên trong vòng 3 tháng tới./.