Ngày 5/10, vùng chiến sự miền Đông Ukraine, đánh dấu 1 tháng ký kết thỏa thuận ngừng bắn bằng các cuộc pháo kích mạnh mẽ tại Donetsk. Động thái này cho thấy thỏa thuận vốn là hy vọng chấm dứt khủng hoảng Ukraine chỉ đang tồn tại trên giấy tờ.

Các bên tại Ukraine không ngừng đổ lỗi cho nhau đã vi phạm lệnh ngừng bắn, trong khi tân Tổng Thư ký mới của NATO đã thể hiện lập trường cứng rắn với Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Đến tối 5/10, khu vực dân cư tại Donetsk, thành phố lớn nhất tại miền Đông Ukraine, vẫn không ngớt tiếng súng và đạn pháo hạng nặng. Diễn biến chiến sự leo thang tại miền Đông Ukraine bất chấp lệnh ngừng bắn đã kéo dài trong 1 tháng qua.

ukrainian_30663_1_nvms.jpgKhu vực giao tranh giữa Chính phủ Ukraine và phe đối lập (Ảnh Telegraph)

Sân bay thành phố Donetsk là khu vực chứng kiến thường xuyên nhất các vụ xung đột, mà cả phía quân đội Ukraine và lực lượng đối lập đều cáo buộc lẫn nhau đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Phe đối lập cho biết, 3 binh sĩ của họ đã thiệt mạng và 32 người khác bị thương trong các cuộc xung đột tại sân bay Donetsk trong 24 giờ qua.

Ngoài ra 3 dân thường đã thiệt mạng vì đạn pháo của quân đội Ukraine bắn vào khu vực ngoại ô thành phố. Trong khi đó, quân đội Ukraine bác bỏ việc tấn công nhằm vào các mục tiêu dân sự và cho biết họ chỉ đáp trả lại các cuộc tấn công của lực lượng đối lập.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Volodimyr Polyovy cho biết, 2 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng, 6 người khác bị thương trong 24 giờ qua và lực lượng đối lập phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn này. Bộ quốc phòng Ukraine cũng cáo buộc Nga hậu thuẫn lực lượng đối lập trong diễn biến chiến sự mới tại miền Đông nước này, song cũng cho rằng thỏa thuận ngừng bắn đã giúp cải thiện tình hình tại vùng chiến sự.

Người phát ngôn Polyovy nói: “Những khu vực như sân bay thành phố Donetsk và ngoại ô Donetsk và thị trấn Schastye là tâm điểm của các cuộc giao tranh. Song một số vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn là do những nhóm vũ trang tự do, không bị kiểm soát tiến hành”

Ngày 5/10, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã kêu gọi ngừng bắn tại miền Đông. Ông hy vọng, lệnh ngừng bắn, vốn là nền tảng cho kế hoạch hòa bình tại Ukraine, sẽ được duy trì cho đến thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26/10 tới.

Thỏa thuận ngừng bắn và tiếp đó là vùng phi quân sự đã làm dấy lên hy vọng về nền hòa bình được khôi phục lại tại miền Đông Ukraine và đưa người dân đi tỵ nạn tại Nga trở về nhà. Song tình hình bạo lực nghiêm trọng này đang có nguy cơ phá hỏng kế hoạch hòa bình của ông Poroshenko, cũng như gạt đổ mọi nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua.

Trong khi đó, mối quan hệ Nga-phương Tây căng thẳng không nằm ngoài ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối tuần qua đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thúc giục nhà lãnh đạo Nga sử dụng ảnh hưởng của mình để làm dịu tình hình chiến sự tại nước láng giềng. Nếu cuộc khủng hoảng Ukraine không hạ nhiệt cũng sẽ kéo theo viễn cảnh đối đầu căng thẳng sắp tới giữa Nga và phương Tây.

Ngày 5/10, Tổng thư ký mới của khối NATO, cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stolenberg nói rằng, liên minh quân sự này có thể triển khai lực lượng tới bất cứ nơi nào họ muốn vì thỏa thuận hậu Chiến tranh Lạnh đã bị lung lay sau hành động của Nga ở Crimea và Ukraine. Những động thái đều có thể là nguy cơ làm bùng phát một cuộc chiến tranh lạnh mới./.