Thỏa thuận hòa bình tại Ukraine đang có nguy cơ đổ vỡ khi giao tranh tiếp tục xảy ra giữa quân đội Chính phủ và lực lượng đối lập. Các nỗ lực ngoại giao quốc tế đang được tiến hành nhằm giúp cứu vãn thỏa thuận hòa bình, vốn được kì vọng sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như làm hạ nhiệt các mối quan hệ quốc tế căng thẳng gần đây.
Ít nhất 75 binh lính và dân thường Ukraine thiệt mạng kể từ khi Nga và Ukraine kí một thỏa thuận ngừng bắn hôm mùng 5/9 nhằm dừng cuộc chiến kéo dài 5 tháng qua. Thỏa thuận ngừng bắn này cũng được tăng cường bằng một thỏa thuận hôm 19/9 nhằm thiệt lập một khu vực phi quân sự .
Tuy nhiên giao tranh vẫn xảy ra và quân đội không rút khỏi khu vực. Hiện giao tranh tập trung chủ yếu giữa quân đội Chính phủ và lực lượng đối lập tại khu vực sân bay quan trọng ở Donetsk.
Người phát ngôn Bộ quốc phòng Ukraine Andriy Lysenko ngày 4/10 khẳng định, quân đội Chính phủ vẫn đang kiểm soát sân bay quan trọng này: “Lực lượng đối lập đã cố gắng phong tỏa và chiếm sân bay nhưng đều thất bại. Chúng tôi đang tăng cường lực lượng quân sự tại sân bay Donetsk để bảo vệ an toàn cho sân bay này”.
Quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại Ukraine, trong khi phương Tây lại gây sức ép với Nga trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hòa bình đang có nguy cơ đổ vỡ. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki kêu gọi Nga sử dụng ảnh hưởng đối với lực lượng đối lập tại miền Đông Ukraine chấm dứt các vụ tấn công ngay lập tức và hối thúc Nga dừng chuyển vũ khí và trang thiết bị vào Ukraine.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Lavrov để thảo luận tình hình phía Đông Ukraine. Về phía Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 4/10 nhấn mạnh, Nga đang làm mọi điều có thể để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine. Tất cả các nỗ lực, từ nhà lãnh đạo của đất nước, Bộ trưởng ngoại giao, đặc phái viên Nga tại các tổ chức quốc tế đang nỗ lực hướng tới mục tiêu này.
Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ( OSCE) ngày 4/10 cũng thông báo sẽ thành lập một trung tâm chung, phối hợp những nỗ lực nhằm giám sát thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được. Nhiệm vụ của nhóm này nhằm giảm căng thẳng trong khu vực, đảm bảo kiểm soát hiệu quả những thỏa thuận đã đạt được, thành lập những đơn vị kiểm soát tại khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine.
Đức hiện cũng đang cân nhắc việc gửi quân đến miền Đông Ukraine để giám sát thỏa thuận ngừng bắn. Theo phía Đức, việc triển khai quân đội Đức đến Ukraine sẽ phụ thuộc vào quyết định của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Tổng thống Belarus Alexander Lukhasenko - nước đang tiếp tục những nỗ lực làm hòa giải cho một giải pháp lâu dài đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng nhấn mạnh, tình hình Ukraine có thể ổn định nếu tất cả các bên liên quan đều mong muốn.
Ông Lukashenko nói: “Tôi nghĩ nếu có một mong muốn từ phía Ukraine, Nga và phương Tây, thì khi đó, trong vòng một năm tình hình tại phía Đông Ukraine có thể được ổn định. Tuy nhiên, điều nguy hiểm đó là nếu sự mất lòng tin của phương Tây, Nga và Mỹ và giữa các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Bên cạnh việc đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn tiếp tục có hiệu lực tại Ukraine, các nước cũng tích cực thực hiện các hoạt động nhân đạo để hỗ trợ người dân phía Đông Ukraine.
Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức ngày 4/10 cho biết, đoàn xe gồm hơn 100 xe tải chở hàng viện trợ đang trên đường đến khu vực miền Đông Ukraine. Số hàng này ước tính trị giá 10 triệu euro và dự kiến Đức sẽ chuyển thêm hàng viện trợ tới Ukraine. Trong khi đó, một quan chức Nga cho hay đoàn xe viện trợ thứ 3 của Nga đã đến khu vực miền Đông Ukraine do lực lượng đối lập kiểm soát./.