Trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã làm 6.000 người chết và 1,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ukraine và Nga đã gặp nhau lần đầu tiên tại thủ đô Minsk, Belarus hồi tháng 9/2014. Bốn nhà lãnh đạo đã nhất trí được về những điều kiện cho một lệnh ngừng bắn tại miền Đông, song thỏa thuận đã bị phá vỡ gần như ngay lập tức, với các vụ vi phạm từ cả hai phía. Và phải đợi đến thỏa thuận Minsk lần thứ 2, tức là tới tháng 2/2015, căng thẳng mới tạm thời lắng dịu. Dù tới nay lệnh ngừng bắn về cơ bản vẫn được các bên tôn trọng, nhưng cuộc chiến âm ỉ thì vẫn chưa kết thúc.
Ngoại trưởng Nga Sergey Larov nói: “Dù lệnh ngừng bắn nhìn chung vẫn được tôn trọng, chủ yếu là kết quả của việc các bên rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực giới tuyến. Tuy nhiên, tình hình vẫn đáng lo ngại. Phái bộ của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu cho biết, thỏa thuận vẫn không được tôn trọng đầy đủ và vũ khí hạng năng cũng không hoàn toàn được rút về. Hoạt động quân sự vẫn xảy ra tại một số điểm xung đột.”
Một năm đã trôi qua, song cuộc chiến vẫn bất phân thắng bại. Đối với Nga, Mỹ hay châu Âu, cuộc khủng hoảng là cơ hội để gia tăng ảnh hưởng và thể hiện sức mạnh quân sự của mình. Nhưng bên cạnh đó, cái mất cũng không phải là nhỏ. Trong khi Nga liên tiếp phải hứng chịu các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây, thì châu Âu phải đứng trước nguy cơ mất đi một nhà cung cấp khí đốt lớn, một đối tác thương mại lớn. Ngay cả quan hệ giữa Mỹ và châu Âu vốn được xem là đồng minh trong cuộc chiến này cũng bắt đầu trở nên rệu rã, trong khi các nước châu Âu cũng phải đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng về các cuộc xung đột tiềm năng tại châu lục có thể rơi vào bế tắc.
Và có lẽ, Ukraine mới chính là nước chịu thiệt hai nặng nề nhất. Chính phủ ở Ukraine tuy đã giành được sự chi phối về mặt chính trị, nhưng nhìn chung nước này vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn với các mối nguy hiểm của việc bị chia rẽ sâu sắc hơn và một cuộc xung đột quân sự kéo dài vẫn còn hiện hữu. Trong khi đó, nền kinh tế thì rơi vào khủng hoảng, phải trông nhờ vào viện trợ của Liên minh châu Âu và các định chế tài chính quốc tế, với nhu cầu dự kiến cho 4 năm tới là 40 tỷ đôla.
Ông Alexander Goncharov, giám đốc Viện kinh tế Ukraine nói: “Trước tình hình kinh tế hiện nay, Ukraine phải nỗ lực rất nhiều để giảm thiểu tác động của khủng hoảng chính trị và quân sự đối với nền kinh tế. Chúng ta phải giảm các rào cản đối với đầu tư nước ngoài và cố gắng tạo lập các chính sách ưu đãi hơn cho các nhà đầu tư. Ukraine phải hiểu rằng chúng ta không thể sống dựa vào tiền đi vay hay khất nợ. Chúng ta cần phải thúc đẩy nền kinh tế và tăng cường nguồn thu thông qua việc đảm bảo hoạt động thông suốt của các doanh nghiệp, các thể chế thương mại và tài chính.”
Một năm kể từ khi cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine bùng phát và cũng gần một năm kể từ khi chính quyền của Tổng thống Ukraine Poroshenko lên nắm quyền, tình hình an ninh, kinh tế và chính trị của Ukraine vẫn chưa được cải thiện, người dân Ukraine vẫn đang ở ngã ba đường. Và có lẽ lúc này điều mà người dân Ukraine mong đợi nhất là một sự thay đổi vì tương lai đất nước từ cả chính quyền trung ương lẫn các lực lượng đối lập. Vì chỉ có như thế, Ukraine mới có thể ổn định và phát triển theo cách của riêng mình mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố bên ngoài nào./.