Theo RT, ngày 25/3, đa số những nhà cung cấp truyền hình của Ukraine đã dừng việc phát 4 kênh truyền hình lớn của Nga.

Ủy viên về Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Nga Konstantin Dolgov nhấn mạnh việc Toà án Hành chính Kiev ra phán quyết cấm chiếu các nội dung truyền hình tiếng Nga tại Ukraine là vi phạm “quyền được xem truyền hình và tiếp cận báo chí bằng tiếng Nga”.

nghisy_copy.jpg
Các Nghị sỹ Ukraine theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Nga Putin ngày 4/3 (Ảnh AFP)

Ủy viên này cũng nói rằng mặc dù những quan chức tại Kiev lên nắm quyền sau “một cuộc đảo chính vi hiến”, họ đã cam kết “tôn trọng những nguyên tắc cơ bản nhất về nhân quyền, tự do và dân chủ”.

“Dĩ nhiên là quyết định của Tòa án Kiev không thể nào phù hợp với những tuyên bố nói trên”, ông Dolgov cho biết.

Ngày 25/3, Toà án Hành chính Kiev đã ra phán quyết yêu cầu ngừng phát nội dung từ 4 kênh của Nga tại Ukraine để xem xét một vụ kiện liên quan đến nội dung những chương trình phát sóng của các kênh này.

Những cơ quan giám sát truyền thông tại Ukraine cáo buộc rằng những thông tin phát trên những kênh nói trên “đe dọa an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kích động chiến tranh, bạo lực và tội ác, xúi giục thù hằn sắc tộc, tôn giáo và vi phạm quyền con người và quyền tự do”.

Cho đến nay, 443 trong tổng số 703 nhà cung cấp dịch vụ nội dung được Hội đồng Quốc gia về Phát thanh và Truyền hình Ukraine cấp phép đã tuân thủ theo khuyến nghị không chính thức của các cơ quan nói trên và dừng việc tiếp sóng các kênh Channel 1, NTV-World, RTR-Planeta và Russia-24 của Nga.

Đồng thời, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine cũng đã yêu cầu Văn phòng Tổng Công tố và các cơ quan an ninh điều tra các hoạt động của những kênh truyền hình Nga nói trên theo đúng luật pháp Ukraine.

Cụ thể, Văn phòng Tổng Công tố và các cơ quan an ninh nước này có nhiệm vụ phải “tìm ra các bằng chứng về việc xúi giục hận thù sắc tộc, kích động chiến tranh và gây chia rẽ”.

Trước đó, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Chính phủ tại Ukraine liên tục có những hành động không phù hợp nhằm vào các kênh truyền hình Nga.

“Việc cấm các kênh truyền hình nói trên mà không dựa trên các nền tảng pháp lý cụ thể cũng là một dạng kiểm duyệt. Việc viện cớ lo ngại về an ninh quốc gia không thể được sử dụng nhằm gây ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí”, Đại diện của OSCE về Tự do Báo chí Dunja Mijatovic tuyên bố đầu tháng này.

“Trong khi tôi hoàn toàn không hài lòng về các nội dung tuyên truyền và các bài phát biểu mang tính chất hận thù vốn thường xuất hiện như một phần của các cuộc chiến tranh thông tin, tôi vẫn tin rằng mọi người đều có quyền tiếp nhận thông tin càng nhiều càng tốt như họ mong muốn”, ông Mijatovic nói.

“Việc ngừng và cấm phát những kênh truyền hình nói trên không phải là cách giải quyết các vấn đề hiện nay. Bất kỳ một tuyên bố gây tranh cãi nào cũng nên được phản hồi bằng những lời tranh luận và những tuyên bố tiếp theo”, ông Mijatovic khẳng định./.