Cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria và "những nỗi đau khủng khiếp mà con người phải gánh chịu" có thể trở thành tác nhân khiến châu Âu phải “can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột Syria", Trang web Bộ Quốc phòng Mỹ dẫn lời vị quan chức quân sự hàng đầu cho biết.
Tướng quân đội Martin E. Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ (Webste DOD). |
Tướng quân đội Martin E. Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói không thể đoán trước được châu Âu sẽ hành động như thế nào, nhưng ông lưu ý rằng cuộc khủng hoảng người tỵ nạn tại vùng Balkan trong những năm 1990 đã “tạo cú hích” với các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu và cuối cùng dẫn đến sự can thiệp của NATO tại khu vực Balkan.
Tướng Dempsey đã trao đổi với các phóng viên trên chiếc máy bay của ông hôm Chủ nhật khi ông rời Hội nghị Ủy ban quân sự NATO ở Istanbul để đến Estonia họp với các nhà lãnh đạo quân sự và chính phủ.
Khủng hoảng tỵ nạn sẽ tác động đến chiến lược của Mỹ?
"Một trong những điều chúng ta sẽ đề xuất với các đại biểu dân cử ở nước mình, là tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu để giải quyết khủng hoảng", ông nói. "Châu Âu thực tế đã bắt tay hành động".
Tướng Dempsey sẽ nghỉ hưu vào cuối tháng này, ông cho biết ông không thể nói trước được chiến lược của Mỹ hiện nay đối với vấn đề Syria có thay đổi không. "Lý do thực sự là do cuộc khủng hoảng người tị nạn," ông nói.
Tướng Dempsey cho biết, Chiến lược của Mỹ tập trung vào các nỗ lực chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Levant. Những nỗ lực này bao gồm quan hệ đối tác với chính phủ Iraq, cố gắng cải thiện mối quan hệ ngoại giao với Syria, và tiến hành các cuộc không kích ở Iraq và Syria chống lại IS.
Ông cho biết ông hài lòng với các hành động của Mỹ trong việc thực hiện các sứ mệnh đã đặt ra. Tuy nhiên, với tư cách là “Tướng Dempsey" và "công dân Dempsey", ông cho rằng không thể nào có kết quả nào làm hài lòng tất cả mọi người.
Một gia đình người tỵ nạn nằm ngủ ở công viên tại TP Belgrade, Serbia (Ảnh chụp hôm 26/8/2015, Reuters). |
Hiệu ứng lan tỏa
"Sẽ là không đúng đắn nếu nói rằng tôi hài lòng khi mà mọi việc tiến triển theo hướng thế này và trở thành một bi kịch khủng khiếp của loài người”, Tướng Dempsey nói.
Tướng Dempsey nói thêm, "Tôi tự hỏi mình liệu đây có phải là một thời điểm, khi mà chúng ta đang phải chứng kiến những nỗi đau khổ khủng khiếp mà người tỵ nạn đang phải gánh chịu, và trong một chừng mực nào đó, châu Âu sẽ phải can dự sâu hơn vào xung đột ở Syria, do hiệu ứng lan tỏa hay không?”.
"Tôi nghĩ rằng câu trả lời có lẽ là có", ông nói.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) cho biết, có hơn 4 triệu người tỵ nạn Syria đã đăng ký tỵ nạn ở các quốc gia láng giềng.
UNHCR cho biết hàng ngàn người Syria đang chạy trốn khỏi thảm họa trong nước và các nước láng giềng, và mạo hiểm cuộc sống "cho cuộc hành trình đầy nguy hiểm tới châu Âu"./.