Ngày 14/9 Bộ trưởng Nội vụ của 28 nước thành viên EU đã nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ để bàn các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Người tị nạn vào châu Âu chờ đợi để được chấp thuận Đức từ biên giới với Áo. Ảnh Reuters |
Tuy nhiên, các bộ trưởng đã không đạt được sự đồng thuận đối với đề xuất gây tranh cãi của Ủy ban Châu Âu (EC) về việc phân bổ thêm 120.000 người tị nạn cho các nước thành viên.
Văn bản kết thúc hội nghị do Luxumbourg - nước hiện đang là chủ tịch luân phiên của EU - soạn thảo nhấn mạnh Hội đồng Châu Âu “đã đồng ý trên nguyên tắc phân bổ thêm 120.000 người”.
Trên thực tế, kết quả hội nghị lại không nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên như xác nhận của Bộ trưởng Nội vụ Luxembourg Jean Asselborn tại cuộc họp báo ngay khi hội nghị kết thúc.
Tuy nhiên với “đa số các nước tán thành” ông hy vọng rằng mọi sự sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn khi một hội nghị tương tự diễn ra vào tháng tới.
Khi đề xuất kế hoạch vào tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh rằng châu Âu cần "hành động ngay lập tức" để giải quyết cuộc khủng hoảng.
EC cũng hy vọng rằng trong tình hình cuộc khủng hoảng đang có chiều hướng xấu đi, các nước sẽ đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm và đồng ý với kế hoạch này.
Không giống như kỳ vọng, hội nghị đã không đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về một cơ chế phân bổ chỉ tiêu bắt buộc trong việc tiếp nhận người tị nạn.
Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak nói rằng Slovakia, Séc và một số nước khác phản đối đề xuất mới trên và giữ nguyên quan điểm cho rằng việc phân bổ cần phải được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.
Ông Kalinak thậm chí còn kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU để giải quyết vấn đề, vì theo ông “nếu vấn đề thuộc về EU thì trách nhiệm giải quyết phải thuộc về các nhà lãnh đạo EU”.
Cách thức phân bổ chỉ tiêu tiếp nhận người tị nạn vẫn là bất đồng gây chia rẽ nội bộ EU trong thời gian vừa qua. Trái ngược với các nước Tây Âu, các nước Trung- Đông Âu, mà điển hình là nhóm bốn nước Trung Âu (Visegrad – V4) gồm Séc, Slovakia, Hungary và Ba Lan luôn phản đối hình thức phân bổ mang tính áp đặt của EC.
Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz nói rằng việc phân bổ phải dựa trên khả năng tiếp nhận của từng nước. CH Séc thậm chí còn tuyên bố nước này sẽ không nhận thêm bất kỳ một người tị nạn nào khác ngoài con số họ đã cam kết hồi tháng 7.
Theo các nước này, với việc phân bổ chỉ tiêu này, EU mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, và điều mà họ cần chính là chấm dứt nội chiến, xung đột vũ trang, đói nghèo ở các quốc gia nơi người tị nạn rời bỏ ra đi.
Họ cho rằng một khi những nguyên nhân tận gốc chưa được giải quyết thì làn sóng người di cư tới Châu Âu sẽ không có điểm dừng, và việc tái dịnh cư người tị nạn chắc chắn sẽ không dừng ở con số 160.000 mà sẽ là lớn hơn rất nhiều.
Con số 160.000 người tị nạn mà EC đề xuất chỉ là một phần nhỏ của dòng người tị nạn hiện đang có mặt và sẽ tiếp tục đổ về Châu Âu trong thời gian tới.
Đó cũng chỉ là một phần nhỏ so với con số dự kiến 800.000 người mà một mình Đức có thể sẽ tiếp nhận trong năm nay, và thậm chí có thể lên tới 1 triệu người theo dự đoán của Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel.
Giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay xem ra ngày càng phức tạp hơn khi mỗi nước có những cách đối phó khác nhau. Nổi bật trong số này là Hungary – một trong những điểm nóng của cuộc khủng hoảng - khi nước này cho xây dựng một hệ thống rào đôi chạy dọc theo biên giới với Serbia để ngăn dòng người tị nạn vượt biên vào lãnh thổ.
Quyết định này đã gây tranh cãi và gặp nhiều chỉ trích của nhiều nước, trong đó có chính nước láng giềng Serbia, và các tổ chức quốc tế. Chính phủ của thủ tướng Victor Orban – người theo đường lối cứng rắn – còn tuyên bố với việc thắt chặt qui định xuất nhập cảnh vừa được Quốc hội thông qua, kể từ ngày 15/9 bất kỳ ai cố tình tìm cách vượt qua hoặc phá hoại hàng rào với Serbia sẽ đối mặt với tội hình sự, có thể bị phạt tù hoặc bị trục xuất trở lại phía Serbia.
Quyết định khôi phục kiểm soát biên giới với Áo của Đức hôm 13-9 được cho là cũng làm phức tạp thêm các tranh cãi trước khi hội nghị tại Brussels diễn ra.
Theo chân Đức, các nước Hà Lan, Áo và Slovakia cũng đã áp dụng biện pháp tương tự ở một mức độ có giới hạn. Mặc dù Đức giải thích biện pháp trên chỉ mang tính tạm thời và Chủ tịch EC Jean Claude-Juncker nói rằng đây là trường hợp ngoại lệ.
Các chuyên gia lo ngại sẽ có một hiệu ứng domino thắt chặt biên giới tại Châu Âu – một động thái được coi là đi ngược với cam kết của các nước khi gia nhập khu vực đi lại tự do Schengen là cần phải tạo ra các biên giới mở trong khu vực.
Chưa biết điều gì sẽ xảy ra sau ngày 15/9 khi Hungary quyết định đóng cửa điểm giao cắt biên giới Roszke – nơi hàng nghìn người tị nạn hàng ngày vẫn vượt biên giới Serbia vào lãnh thổ Hungary.
Với tính chất ngày càng phức tạp của cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay, có lẽ việc sớm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU là cần thiết để các nước thành viên tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết vấn đề hóc búa này./.