Quan chức Trung Quốc hôm nay (12/3) khẳng định, việc nước này đưa ra các thay đổi liên quan đến chế độ bầu cử ở Hong Kong là biện pháp căn bản nhằm bảo vệ sự ổn định chính trị và an ninh chính quyền của đặc khu này, bất cứ quốc gia nước ngoài nào đều không có quyền can dự.
Quốc hội Trung Quốc chiều qua (11/3) vừa thông qua Quyết định về việc hoàn thiện chế độ bầu cử ở Hong Kong. Việc làm này đã và đang chịu sự chỉ trích của Mỹ và một số quốc gia phương Tây, đồng thời trở thành nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên.
Trong cuộc họp báo giới thiệu về quyết định này tổ chức hôm nay (12/3) tại Bắc Kinh, ông Trương Hiểu Minh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cho rằng, việc ra quyết định và sửa đổi luật để hoàn thiện chế độ bầu cử ở Hong Kong là do hệ thống này còn tồn tại nhiều lỗ hổng và thiếu sót.
Cũng theo quan chức này, những vấn đề còn tồn tại ở Hong Kong, trong đó có cả hệ thống bầu cử không phải là vấn đề dân chủ, mà là vấn đề chính trị, là cuộc “đọ sức” giữa “cướp chính quyền và chống cướp chính quyền”, “lật đổ và chống lật đổ”, “thâm nhập và chống thâm nhập”. Trong vấn đề này, Trung Quốc “không có chỗ để nhượng bộ”.
Liên quan đến những chỉ trích của Mỹ, ông Trương Hiểu Minh tái khẳng định: “Chế độ bầu cử của khu hành chính đặc biệt Hong Kong được thiết kế ra sao, hoàn thiện thế nào hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc. Bất cứ quốc gia nước ngoài nào cũng không có quyền nói này nói nọ".
Quan chức này cũng cảnh báo, Bắc Kinh sẽ áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” nếu Washington đưa ra các biện pháp trừng phạt.
Khi được hỏi liệu cải cách bầu cử có khiến các bên ở Hong Kong thiếu đi tính đại diện trong hệ thống chính trị, ông Trương dẫn nguyên tắc "người yêu nước lãnh đạo Hong Kong".
Theo ông Trương, "một phần tử không yêu nước đã là quá nhiều" và "trong phe ủng hộ dân chủ, có những người yêu nước. Họ vẫn có thể tham gia bầu cử và được bầu theo luật… Điều khác biệt ở đây là bạn có thể sẽ không còn thấy những màn biểu diễn tệ hại do một số nghị sĩ dựng lên".
Tiêu chuẩn về một nghị sĩ yêu nước được ông Trương đưa ra là tôn trọng dân tộc mình, thật tâm ủng hộ việc Trung Quốc khôi phục chủ quyền đối với Hong Kong, không gây tổn hại cho sự thịnh vượng và ổn định của vùng lãnh thổ này, theo như điều đã được cố lãnh đạo nước này Đặng Tiểu Bình từng nói, đồng thời phải bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, tôn trọng và bảo vệ chế độ cơ bản của quốc gia và trật tự chế độ hiến pháp của Hong Kong, bảo vệ bảo vệ sự thịnh vượng, ổn định của Hong Kong...
Ông nhấn mạnh, việc hoàn thiện chế độ bầu cử Hong Kong cùng Luật An ninh Quốc gia là "liên hoàn quyền" dập tắt bất ổn tại đặc khu này.
Liên quan đến cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp ở Hong Kong vốn được tổ chức hồi tháng 9/2020 song bị trì hoãn do dịch Covid-19, các quan chức Trung Quốc cho biết, thời điểm tổ chức lại cuộc bầu cử này phụ thuộc vào tiến trình sửa đổi luật và các quy định liên quan của chính quyền Hong Kong.
Trước đó, theo tiết lộ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, lãnh đạo đặc khu, tiến trình cải cách chế độ bầu cử của Hong Kong sẽ phải hoàn tất trong vòng 12 tháng, tức chậm nhất vào tháng 3 năm sau, trước thời điểm bầu ra Trưởng đặc khu mới./.