Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đã tăng cường vũ khí hạt nhân lên khoảng 10 đầu đạn mỗi nước trong năm 2013 trong khi các quốc gia hạt nhân khác có vẻ như tiếp tục duy trì kho vũ khí chiến lược của họ, theo một tổ chức nghiên cứu ở Thụy Điển ngày 3/6.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết vào đầu năm nay, Trung Quốc đã tăng số lượng đầu đạn hạt nhân từ 240 lên 250 như một phần tiến trình hiện đại hóa quốc phòng.

Tuy nhiên, AP dẫn nguồn SIPRI nói Trung Quốc “rất thiếu minh bạch” về kho vũ khí hạt nhân của họ.

Chuyên gia nghiên cứu Phillip Schell của SIPRI nói Trung Quốc có thể tiếp tục quá trình tăng cường vũ khí hạt nhân theo kiểu nhỏ giọt song không có dấu hiệu nào cho thấy nước này sẽ thay đổi chính sách hiện tại về việc duy trì sự răn đe đáng tin cậy với kho vũ khí hạt nhân nhỏ nhất có thể.

“Nó không quá thiên về gia tăng số lượng mà là gia tăng chất lượng”, ông Schell nói.

Hai nước kình địch Ấn Độ và Pakistan cũng tăng cường kho vũ khí hạt nhân của họ lên khoảng 10 đầu đạn.

do-hoa.jpg
Số lượng vũ khí hạt nhân của các nước - Đồ họa: AFP

Trong khi đó, Mỹ và Nga tiếp tục quá trình giải trừ theo hiệp ước START mới mà hai nước ký kết năm 2010. Mỹ đã giảm số lượng đầu đạn từ 8.000 xuống còn 7.700 và Nga giảm từ 10.000 xuống còn 8.500.

Tuy nhiên, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Anh đều triển khai các hệ thống phóng vũ khí hạt nhân mới hoặc thông báo về những chương trình này, theo SIPRI.

“Có ít hy vọng về việc những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thật sự sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Các chương trình hiện đại hóa dài hạn đang được các quốc gia đó tiến hành gợi ý vũ khí hạt nhân vẫn là một dấu hiệu về vị thế và sức mạnh quốc tế”, chuyên gia Shannon Kile của SIPRI phát biểu.

Những nỗ lực nhằm giảm kho vũ khí hóa học và sinh học cũng diễn ra chậm chạp, theo SIPRI.

Mỹ và Nga không tiêu hủy mọi vũ khí hóa học trong năm 2012 như đã cam kết, và Syria đã tuyên bố nước này chuẩn bị sử dụng chúng trong trường hợp bị nước ngoài tấn công.

Số liệu của SIPRI cũng cho thấy số lượng binh sĩ gìn giữ hòa bình được triển khai trên toàn thế giới đã giảm xuống hơn 10% trong năm 2012, một phần phản ánh quá trình rút quân ra khỏi Afghanistan của lực lượng quốc tế.

SIPRI lưu ý sự gia tăng số lượng các cuộc nội chiến bị quốc tế hóa trong những năm gần đây, khi các quốc gia bên ngoài ủng hộ phía này hoặc phía bên kia.

“Những sự can dự đó thường làm gia tăng tỷ lệ thương vong và kéo dài các cuộc xung đột”, báo cáo của SIPRI viết./.