Những tranh cãi về cắt giảm ngân sách đã trở thành chủ đề nóng chi phối gần như cả ngày họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang diễn ra tại Brussels (Bỉ).

Phát biểu tại cuộc họp báo sau ngày họp thứ nhất, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cảnh báo rằng kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc phòng có thể tác động tiêu cực tới khả năng tác chiến và sẵn sàng chiến đấu của tổ chức quân sự này.

“Liên minh chúng ta đã duy trì sức mạnh và tính chủ động trong 6 thập kỷ qua. Chúng ta cần duy trì các nguồn lực đầu tư cho quốc phòng”, ông Rasmussen nói. “Chúng ta phải duy trì ngân sách quốc phòng hiện nay, cùng nhau hợp tác khi mà nền kinh tế đang phục hồi”.

tong%20thu%20ky%20nato.jpg
Tổng thư ký NATO Ramussen (ảnh: AP)

Ông Rasmussen khẳng định, việc các chính phủ hạn chế tài chính sẽ khiến NATO khó có thể thực hiện được các mục tiêu như mở rộng sự hợp tác, cũng như đe dọa làm suy yếu khả năng đối phó với những thách thức mới.

Ông Rasmussen cho rằng nỗ lực cắt giảm chi tiêu là rất quan trọng trong bối cảnh các nước đang thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", song NATO vẫn cần một mức chi tiêu quốc phòng đủ để có thể thực hiện được các kế hoạch quân sự, đặc biệt trong bối cảnh liên minh này đang chuẩn bị kế hoạch lớn là chuyển giao sứ mệnh kiểm soát an ninh cho lực lượng của Afghanistan trước khi Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) rút khỏi chiến trường Nam Á này vào năm 2014.

Đối với phần lớn các nước thành viên EU, việc lựa chọn cắt giảm ngân sách quốc phòng trong bối cảnh buộc phải thực hiện chính sách kinh tế khắc khổ là giải pháp dễ dàng hơn nhiều so với việc hạn chế chi tiêu xã hội. Tuy nhiên, điều này đã khiến Mỹ cảm thấy không hài lòng vì cho rằng các đồng minh châu Âu không nỗ lực hết mình trong việc bảo đảm an ninh tập thể./.