Trong cuộc điện đàm với quyền Đại sứ của Trung Quốc tại Nhật Bản Hàn Chí Cường, Vụ trưởng Vụ châu Á và Hải dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara đã đưa ra lời kháng nghị trên đồng thời chỉ trích Trung Quốc “đơn phương” làm gia tăng những mối căng thẳng giữa hai nước về quần đảo này.

“Bằng việc thiết lập Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã làm leo thang khả năng đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và quân đội của các nước đối tác với Mỹ và Nhật Bản, Cố vấn Văn phòng Nội các Nhật Bản Tomohiko Taniguchi tuyên bố, “Trung Quốc đã thách thức nghiêm trọng quyền tự do đi lại trên không và trên biển trong khu vực này”.

Trong khi đó, những tuyên bố riêng rẽ của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nêu rõ Mỹ “quan ngại sâu sắc” về tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông.

Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông (màu đỏ) theo công bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Trong tuyên bố của mình tại Geneva hôm 23/11, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh “Hành động đơn phương này thể hiện việc Trung Quốc muốn thay đổi tình trạng hiện tại trên biển Hoa Đông. Việc leo thang hành động của Trung Quốc sẽ chỉ làm tăng thêm căng thẳng và tạo ra nhiều nguy cơ về xung đột trong khu vực”.

Ông Kerry nói rằng việc đảm bảo quyền quốc tế về sử dụng đường biển và đường hàng không là rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng tại Thái Bình Dương và Mỹ sẽ không ủng hộ bất kỳ quốc gia nào định áp đặt một khu vực phòng không quốc gia có thể gây ảnh hưởng đến các máy bay quốc tế không hề có ý định bay vào khu vực mà mình có quyền kiểm soát và Mỹ cũng không bao giờ làm như vậy.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ cũng nêu rõ: “Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc không được thực hiện lời đe dọa sẽ tấn công các máy bay bay qua khu vực phòng không của Trung Quốc mà không thông báo hoặc không tuân thủ các mệnh lệnh từ Bắc Kinh”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc Phòng Hagel khẳng định những lời tuyên bố của Trung Quốc sẽ “không làm thay đổi việc Mỹ thực hiện các chiến dịch quân sự tại khu vực”.

Ông Hagel cũng nói rằng Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại của mình đến Trung Quốc thông qua “các kênh ngoại giao và quân sự” và đang tham vấn với Nhật Bản và các đồng minh trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cũng tái khẳng định chính sách lâu dài của Mỹ rằng, Điều 5 của Hiệp định Quốc phòng Nhật - Mỹ sẽ được áp dụng trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku. Điều 5 của Hiệp định này nêu rõ trong trường hợp có các cuộc tấn công bằng vũ trang nhằm vào lãnh thổ Nhật Bản thì cả Mỹ và Nhật “sẽ hành động đáp trả thích đáng” theo đúng “tiến trình quy định tại Hiến pháp 2 nước”.

Trước đó ngày 23/11 Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố một bản đồ về Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông bao gồm một chuỗi các đảo đang tranh chấp mà phía Nhật Bản cũng đã tuyên bố chủ quyền. Điều này đã làm dấy lên những phản đối từ phía Nhật Bản và khiến Mỹ cũng phải bày tỏ quan ngại sâu sắc về “hành động đơn phương” này của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng công bố một loạt các nguyên tắc tại Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông và nhấn mạnh rằng mọi máy bay bay qua khu vực này phải thông báo trước cho chính quyền Trung Quốc và Trung Quốc sẽ thi hành các biện pháp quân sự khẩn cấp nếu các máy bay này không thông báo hoặc không tuân thủ mệnh lệnh từ Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng cho biết nước này sẽ “xác định, giám sát, kiểm soát và phản ứng” đối với bất kỳ mối đe dọa trên không cũng như những vật thể bay không xác định nào tiến vào Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông này. Các nguyên tắc này của Trung Quốc có hiệu lực ngày 23/11.

Trung Quốc tuyên bố Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông là hoàn toàn phù hợp vì các nước khác cũng đều có những khu vực tương tự để bảo vệ bờ biển của họ.

“Đây là một biện pháp cần thiết của Trung Quốc để thực thi quyền phòng vệ của mình”, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đưa ra tuyên bố trên trên trang web của Bộ Quốc phòng nước này khẳng định: “Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông không hề nhắm đến một quốc gia hay một đối tượng cụ thể nào. Nó cũng không gây ảnh hưởng đến quyền tự do di chuyển trên không của máy bay quốc tế”.

Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đã công bố chủ quyền quần đảo Điếu Ngư (theo tiếng Trung Quốc) và Senkaku (theo tiếng Nhật). Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc đã nổ ra trong năm ngoái khi Trung Quốc không công nhận việc Chính quyền Nhật Bản mua lại quần đảo này từ một chủ sở hữu tư nhân./.