Trong đó, việc xác lập “vị trí hạt nhân” của Tổng bí thư Tập Cận Bình và “vị trí chỉ đạo” của tư tưởng ông đưa ra được nước này đánh giá là “mang ý nghĩa quyết định” đối với “sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa”.
Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX (tức Hội nghị Trung ương 6 khóa 19) đã bế mạc ngày 11/11 tại Bắc Kinh với việc thông qua Nghị quyết lịch sử thứ 3 của đảng này sau 100 năm thành lập.
Cuộc họp lần này được đánh giá là mang ý nghĩa quan trọng khi được tổ chức vào “thời điểm then chốt giao thoa lịch sử giữa hai mục tiêu phấn đấu 100 năm”. Được đánh giá là “thành quả quan trọng nhất” của hội nghị, nghị quyết đã tổng kết những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xác định tư tưởng dẫn dắt sự phát triển của nước này trong tương lai, đúng như tên gọi Nghị quyết về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo ngày 12/11, ông Giang Kim Quyền, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, việc xác lập “vị trí hạt nhân” của Tổng bí thư Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và toàn đảng, cũng như việc xác lập “vị trí chỉ đạo” của tư tưởng về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới của ông “có ý nghĩa quyết định” đối với sự phát triển của đảng này và Trung Quốc trong thời đại mới, cũng như “tiến trình lịch sử thúc đẩy sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa".
Đây cũng là những nội dung được Trung Quốc đánh giá là những “điểm sáng nổi bật và đóng góp to lớn” của Nghị quyết lịch sử thứ 3 với cách gọi “hai xác lập”. Ông Giang Kim Quyền khẳng định: “Hai xác lập phù hợp với nguyện vọng chung của toàn đảng, toàn quân và toàn dân. Đồng thời, có đủ cơ sở lý luận, đó là: hạt nhân lãnh đạo vững vàng và chỉ dẫn lý luận khoa học là những vấn đề căn bản liên quan đến tiền đồ vận mệnh của đảng và đất nước, sự thành bại sự nghiệp của đảng và nhân dân".
Mặc dù nghị quyết lịch sử này của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhắc đến tên của các thế hệ lãnh đạo, như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, nhưng chỉ có 3 người trong số đó là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình có tư tưởng mang tên mình.
Trong nghị quyết này, tư tưởng của ông Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, được đánh giá là “bước nhảy vọt mới trong việc Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác” và đây sẽ là tư tưởng dẫn dắt Đảng Cộng sản Trung Quốc và đất nước Trung Quốc trong chặng đường tương lai, hướng tới việc thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ hai, đưa nước này trở thành "cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại" vào giữa thế kỷ./.