TrangSouth China Morning Postngày 6/6 dẫn lời một cố vấn Quốc phòng của Philippines và nguồn tin thân cận với Hải quân Trung Quốc cho biết, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã nới lỏng hoạt động ngăn chặn các ngư dân tiếp cận khu vực bãi cạn Scarborough.

bai_can_nmzb_juno.jpg
Bãi cạn Scarborough. (Ảnh: globalsecurity)

Các nguồn tin cho rằng, động thái thể hiện sự thân thiện bất thường của Bắc Kinh dường như là để lấy lòng Tổng thống mới đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte.

Giáo sư Rommel Banlaoi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tình báo và An ninh Quốc gia Philippines cho biết, tàu cá của Philippines đã có thể trở lại khu vực quanh bãi cạn Scarborough để đánh bắt trong 3 tuần qua mà không gặp phải sự cản trở nào từ phía các tàu Trung Quốc.

Phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La diễn ra cuối tuần qua, Giáo sư Banlaoi cho rằng: “Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy những tín hiệu tích cực đang diễn ra”.

Ông Banlaoi cũng đề cập đến một “tín hiệu tốt” khác đó là việc Hải quân Philippines giờ đây có thể tiến hành các cuộc tuần tra gần bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Manila kiểm soát mà không bị tàu Hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu.

Giáo sư Banlaoi cũng cho biết thêm rằng: “Tổng thống mới đắc cử cũng đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Manila”.

Trung Quốc đang ngày càng trở nên quyết đoán hơn với các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, điều này đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phải lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng, Bắc Kinh đang dựng lên một “Vạn lý trường thành” tự cô lập mình.

South China Morning Postdẫn một nguồn tin thân cận với Hải quân Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã cố gắng để “hạ bớt tông giọng” với Manila trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay của Hà Lan ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong khi đó, người sáng lập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence Andrei Chang cho biết, Trung Quốc đang thực hiện một cách tiếp cận thận trọng với vấn đề bãi cạn Scarborough, đặc biệt sau khi Lầu Năm Góc lên tiếng cảnh báo có thể “hành động” nếu Bắc Kinh thực hiện hoạt động cải tạo bãi cạn này.

Ông Chang nói: “Bãi cạn Scarborough rất khác so với những rạn san hô khác ở quần đảo Trường Sa… một phần vì nó rất gần với các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines”.

Trước đó, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 vừa diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết, bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng bãi cạn Scarborough ở vùng biển tranh chấp sẽ mang lại hậu quả.

Ông Carter nói: “Tôi hy vọng sự việc không đi theo khả năng này bởi vì nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ hành động và… các nước khác trong khu vực cũng sẽ hành động. Điều này sẽ không chỉ khiến căng thẳng gia tăng mà còn cô lập Trung Quốc”.

Đầu năm nay, Manila đã tuyên bố mở cửa ít nhất 8 căn cứ quân sự của mình cho các lực lượng Mỹ, trong đó có hai căn cứ không quân ở Pampanga, nơi chỉ cách bãi cạn Scarborough khoảng 330km.

Theo chuyên gia quân sự Li Jie ở Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ cố gắng để duy trì quan hệ thân thiện với Philippines trước thời điểm nhậm chức Tổng thống của ông Duterte vào cuối tháng này./.