bai_can_nefc.jpg
Bãi cạn Scarborough. (Ảnh: globalsecurity)

1.Ngày 4/6, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã cảnh báo Trung Quốc về các hành vi khiêu khích của nước này ở Biển Đông.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng bãi cạn Scarborough ở vùng biển tranh chấp sẽ mang lại hậu quả.

Ông Carter nói: “Tôi hy vọng sự việc không đi theo khả năng này bởi vì nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ hành động và… các nước khác trong khu vực cũng sẽ hành động. Điều này sẽ không chỉ khiến căng thẳng gia tăng mà còn cô lập Trung Quốc”.

“Mỹ vẫn sẽ đóng vai trò quân sự hàng đầu đối với an ninh khu vực trong nhiều thập kỷ tới và không có gì phải nghi ngờ về điều đó”, ông Carter nói thêm.

Trước đó, đã có thông tin cho rằng, Trung Quốc có kế hoạch thiết lập một tiền đồn ở bãi cạn Scarborough, cách bờ biển Philippines khoảng 230 km. Bãi cạn Scarborough là tâm điểm tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Bắc Kinh giành quyền kiểm soát khu vực này từ năm 2012 và thường xuyên triển khai tàu hải cảnh quanh khu vực bãi cạn này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani phát biểu tại phiên toàn thể thứ hai của Đối thoại Shangri-La.

2. Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục cam kết an ninh với các nước trong khu vực, Nhật Bản cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và các nước châu Á Thái Bình Dương trên lĩnh vực này.

Phát biểu tại phiên toàn thể thứ hai của Đối thoại Shangri-La sáng 4/6 với chủ đề “Quản lý cạnh tranh quân sự ở châu Á”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng cho rằng, những hành động của Trung Quốc đang tạo ra một thách thức đối với nguyên trạng khu vực và trật tự quốc tế.

Ông Nakatani nói: “Không một nước nào đứng ngoài trong vấn đề Biển Đông cả bởi nó liên quan đến an toàn và tự do hàng hải tại một khu vực vô cùng quan trọng với thương mại toàn cầu. Càng là cường quốc thì càng phải hành động có trách nhiệm. Trong phát biểu đề dẫn cách đây 2 năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh đến trật tự luật pháp và giờ đây tôi cũng nhắc lại điều đó, rằng không một nước nào có thể dùng vũ lực để hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền phi lý của nước đó.

Tôi kêu gọi các nước thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, tôn trọng tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp thôn qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ những phán quyết quốc tế”.

Đông đảo phóng viên khu vực và quốc tế tác nghiệp tại trung tâm báo chí của Đối thoại Shangri La 15.

3.Trước đó, Đối thoại Shangri La lần thứ 15 chính thức khai mạc tối 3/6 tại Singapore trong bối cảnh an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương được giới nghiên cứu cho là có nhiều diễn biến phức tạp.

Đối thoại Shangri La năm nay được kỳ vọng sẽ gợi mở, thúc đẩy những cơ chế hợp tác hữu hiệu giữa các nước trong khu vực và các nước có liên quan nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột, đảm bảo hòa bình, ổn định để các quốc gia có thể cùng phát triển thịnh vượng.

Tham dự Đối thoại Shangri La lần này có số lượng chuyên gia và học giả đông nhất từ trước đến nay.

Trải qua chặng đường 15 năm hình thành và phát triển của mình, Đối thoại Shangri La đã có một vai trò vị trí riêng mà không diễn đàn nào khác có thể phủ nhận hay so sánh được. Đây là nơi để các chính khách, quan chức ngoại giao, quốc phòng chia sẻ quan điểm của mình cũng như đánh giá thống nhất về tình hình an ninh khu vực để từ đó định hình cho các khuôn khổ hợp tác.

Trong một năm qua, kể từ Đối thoại Shangri La lần thứ 14, tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương được giới chuyên gia đánh giá về cơ bản được duy trì tương đối ổn định nhờ có các cơ chế hợp tác để giải quyết và ngăn chặn xung đột. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới bất ổn an ninh khu vực và điều này khiến chính giới, quan chức cũng như các học giả tham dự Đối thoại Shangri La lần này rất mong muốn định hình được khuôn khổ hợp tác mới để duy trì hòa bình ổn định thực sự trong khu vực, trong đó có nội dung quan trọng là hóa giải những nguy cơ xung đột trên Biển Đông.

Biển Đông không chỉ là vấn đề của riêng ASEAN và Trung Quốc hay của các quốc gia trong khu vực mà đã trở thành vấn đề quốc tế, thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí và truyền thông tại Đối thoại Shangri La lần này. Bởi tất cả các nước có lợi ích và có liên quan như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand… đều quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Sự can dự của các nước lớn đang mang đến những cơ hội phát triển cho các nước nhỏ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhưng cũng đặt ra những thách thức mới.

Xung đột ở Trung Đông vẫn sẽ là câu chuyện chưa có hồi kết. (Ảnh: Getty)

4.Tương lai hòa bình Trung Đông vẫn bất định - đây là nhận định được đưa ra sau Hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông tại Paris hôm 3/6.

Trong thông cáo đưa ra cuối hội nghị, các bên bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực gia tăng gần đây trong khu vực cũng như việc Israel mở rộng khu định cư.

Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp hai nhà nước và các cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai bên cần phải dựa trên các nghị quyết hiện hành của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Các nhà ngoại giao hàng đầu 26 quốc gia cũng cam kết sẽ tích cực thảo luận để tổ chức một hội nghị quốc tế trước cuối năm nay.

Đại diện của Israel và Palestine không tổ chức các cuộc đàm phán kể từ tháng 4/2014, vì vậy Hội nghị được diễn ra tại Pháp với sự tham dự của Nhóm Bộ tứ Trung Đông, Liên đoàn Arab và hơn 20 nước tham gia được kì vọng sẽ giúp hai bên thu hẹp bất đồng. Tuy nhiên Hội nghị kết thúc với một tuyên bố chung chung khiến dư luận các nước không mấy lạc quan về triển vọng sáng kiến hòa bình của Pháp. 

Thực tế đây là kết quả được dự đoán trước khi hội nghị diễn ra, khi sáng kiến của Pháp vấp phải sự phản đối của Israel và thiếu vắng sự ủng hộ tích cực của Mỹ.

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, Palestine hoan nghênh hội nghị tại Pháp là một bước đi quan trọng hướng tới hòa bình. Tuy nhiên, Israel ngay lập tức phản đối sáng kiến của Pháp cho rằng hội nghị chỉ nhằm ủng hộ Palestine, khiến Palestine đưa ra lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán.

Một nhóm người tị nạn tìm cách bơi về phía tàu cứu hộ. Ảnh Reuters

5.Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào trạng thái căng thẳng khi Hạ viện Đức vừa thông qua nghị quyết cho rằng cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) là tội ác diệt chủng.

Mối quan hệ căng thẳng này thậm chí được dự báo có thể ảnh hưởng đến cả thỏa thuận người nhập cư giữa Liên minh Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ khi ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi Đại sứ tại Đức về nước.

Phát biểu trong chuyến thăm Kenya, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói rằng “quyết định này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Đức–Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ông Erdogan khẳng định việc triệu hồi Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức về nước mới chỉ là “bước đi đầu tiên” và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét thực hiện những biện pháp đáp trả khác. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim gọi Nghị quyết của Đức là “một sai lầm lịch sử”.

Cho tới nay, phía Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi vụ tàn sát 1,5 triệu người Armenia trong lịch sử chỉ là sự việc bình thường xảy ra trong chiến tranh. Trong khi đó, cho đến nay, đã có Quốc hội và Chính phủ của 25 quốc gia trên thế giới bác bỏ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ và coi vụ việc này là diệt chủng, trong đó có cả Quốc hội Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu.

Mặc dù nghị quyết của Hạ viện Đức chỉ là chuyện riêng của nước Đức, nhưng các nhà quan sát nhận định sẽ có tác động mạnh mẽ cùng nhiều hệ lụy khó lường hết tới chuyện chung khác của cả Liên minh châu Âu. Chuyện chung ấy là vấn đề người tị nạn đối với Liên minh châu Âu.

Cuộc chiến giữa ông Trump và bà Clinton đang "nóng" dần lên. Ảnh Reuters

6.Tranh cãi giữa các ứng cử viên đang tiếp tục hâm nóng cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ. Ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton ngày 2/6 tuyên bố, ông Trump không phù hợp để làm Tổng thống Mỹ và việc bầu ông lên nắm quyền sẽ là “sai lầm lịch sử”.

Theo tờ New York Times, trong bài phát biểu của mình, bà Clinton đã mô tả ông Trump là kẻ mạo hiểm, trẻ con và nghiệp dư muốn chơi trò chính trị trên quy mô toàn cầu.

“Đây không phải là loại người mà chúng ta giao phó mật mã hạt nhân”, bà Clinton nói: “Không khó để tưởng tượng việc ông Trump đẩy chúng ta vào mộc cuộc chiến chỉ vì ai đó “đụng chạm” đến ông ấy”.

Cũng theo bà Clinton, chính sách ngoại giao của ông Trump: “Thậm chí không thể coi là một ý tưởng đầy đủ mà chỉ là những lời lẽ khoác lác, mang đậm tính cá nhân và đầy dối lừa”.

Bà Clinton cho biết, bà có thể tưởng tượng rằng ông Trump “đang soạn những đoạn tweet rất khó chịu” về bài phát biểu của bà. Trên thực tế, ông Trump đã làm như vậy.

Trên tài khoản twitter của mình ông viết: “Một màn trình diễn tồi tệ của Hillary Clinton Dối trá! Ngay cả việc đọc từ “máy nhắc” cũng khiến bà ấy gặp khó khăn. Trông bà ấy không có phong thái của một Tổng thống”.

Cũng trong bài phát biểu của mình, bà Clinton cũng đã 2 lần nhắc đến những diễn biến tại Phòng Tình huống trong Nhà Trắng nơi với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, bà đã cố vấn cho Tổng thống Obama về chiến dịch đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden tại Pakistan.

“Hãy tưởng tượng ông Donald Trump ngồi tại Phòng Tình huống và đại diện cho nước Mỹ đưa ra các quyết định sinh tử”, bà Clinton tuyên bố: “Hãy tưởng tượng ông ấy không chỉ có tài khoản Twitter mà còn cả toàn bộ kho vũ khí của Mỹ trong tay khi ông ấy cáu giận”.

Đáp lại, ông Trump mô tả bài phát biểu của bà Clinton là quá tệ và khẳng định: “Tôi không phải là một người quá nhạy cảm, ngược lại là đằng khác”.

Ngập lụt nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân Pháp. (Ảnh: AFP)

7.Nước Pháp đang phải đối mặt với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng. Mưa lũ bắt đầu diễn ra từ cuối tuần trước đã gây ra tình trạng lụt lội được cho là tồi tệ hơn cả trận lụt lịch sử năm 1910 tại Pháp.

Hàng nghìn người dân thủ đô Paris, Pháp ngày 2/6 đã phải đi sơ tán do tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại đây, đặc biệt là các tuyến phố chạy dọc con sông Loing, một nhánh của sông Seine.

Hai viện bảo tàng nổi tiếng ở thủ đô Paris là Louvre và Orsay đã phải đóng cửa. Các nhân viên bảo tàng đã phải di chuyển các tác phẩm nghệ thuật vô giá trưng bày tại đây tới khu vực an toàn.

Đây là trận lụt lớn nhất thành phố Paris phải hứng chịu kể từ sau năm 1910, thời điểm nước sông Seine dâng lên tới 8,62m. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp do lũ lụt tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Theo ông Hollande, diễn biến thời tiết trên ở Pháp là biểu hiện của biến đổi khí hậu và là một thách thức đối với thế giới.

Ngoài Pháp, nhiều nước khác tại châu Âu cũng đang phải đối mặt với mưa lũ. Tính đến nay, lũ lụt tại Pháp và Đức đã làm ít nhất 11 người chết và khiến hàng nghìn người khác phải đi sơ tán. Tình trạng ngập lụt cũng đã làm hư hại nhiều công trình hạ tầng tại một số thị trấn của Đức. Bỉ và Ba Lan cũng bị ảnh hưởng của tình trạng mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua.

Theo dự báo, mưa lớn như trút nước sẽ còn tiếp diễn tại Pháp và nhiều nước châu Âu khác trong những ngày cuối tuần này./.