Giáo sư Renato DeCastro, trường Đại học De La Salle, Manila, Philippines đã nói như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” vừa diễn ra ở Đà Nẵng.
Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế
Ông Renato nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tranh thủ dư luận quốc tế bởi sức mạnh và vai trò quan trọng của nó. “Việt Nam đã có được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong những năm 60 của thế kỷ trước và điều này đã góp phần giúp Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Công luận quốc tế có thể gây ảnh hưởng tới cả một sự nghiệp. Mọi người sẽ hiểu những gì Trung Quốc đang làm. Trung Quốc sẽ phải nỗ lực nhiều để trở thành một cường quốc lớn trong thế kỷ 21 nhưng Trung Quốc đã đánh mất trách nhiệm đạo đức để tăng cường sức mạnh cường quốc đó, không thể hiện sự kiềm chế, tôn trọng với các nước nhỏ”, giáo sư Renato nhấn mạnh.
Đâm chìm tàu Việt Nam, Trung Quốc tự đẩy mình vào thế khó
“Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc nghĩ có thể dùng tiền để mua được các nước ở châu Phi, châu Mỹ La tinh hay Đông Nam Á, nhưng họ lại không có bất kỳ “quyền lực đạo lý” - giá trị cốt lõi của đạo Khổng Trung Quốc. Trung Quốc muốn có quyền lực, họ phải có trách nhiệm đạo lý” – GS Renato nêu rõ.
“Và bằng cách bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không thể hiện được một chút trách nhiệm đạo lý nào, đi ngược lại với giá trị đạo Khổng của họ. Theo đạo Khổng, muốn trở thành lãnh đạo, bạn phải thể hiện được là “anh cả” của các nước láng giềng Đông Nam Á nhỏ hơn, phải thể hiện được sự tôn trọng, công bằng”.
Nhìn vào phản ứng của Việt Nam khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam và khi Trung Quốc đâm một tàu cá nhỏ của Việt Nam, Việt Nam đã có sự ủng hộ của công luận quốc tế.
Và Trung Quốc đã phải phải sử dụng đến “con mồi” tuyên truyền. Họ đã đặt mình vào thế luôn luôn phải biện hộ để giải thích về vụ đâm chìm tàu của Việt Nam.
Kiện để Trung Quốc bị đẩy vào thế phải luôn biện hộ
Chia sẻ về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, giáo sư Renato DeCastro cho biết, đến nay Trung Quốc không giải thích rõ ràng “đường 9 đoạn” là gì. Trong các cuộc tranh luận, Trung Quốc có lúc cho rằng “đường 9 đoạn” là “lãnh hải”, nhưng có lúc lại là “vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)”. Trung Quốc từ chối giải thích cho chúng ta “đường 9 đoạn” là gì. Nhưng họ thừa biết “đường 9 đoạn” là gì.
Đó chính là lý do vì sao Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài quốc tế về Công ước Luật biển, với hi vọng tòa án yêu cầu Trung Quốc giải thích “đường 9 đoạn” là gì và từ đó tòa đưa ra phán quyết “đường 9 đoạn” đe dọa Luật quốc tế và dĩ nhiên mọi người đều biết là Trung Quốc là một thành viên tham gia Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS).
Về kết quả vụ kiện, giáo sư Renato cho biết, ít nhất cho đến nay mọi người nhận biết được vấn đề và đang bàn luận về nó. Điều này đã khiến Trung Quốc bị đẩy vào thế luôn phải đi biện hộ. Mỹ, Nhật và các nước đã thể hiện sự ủng hộ đối với Philippines và các cuộc bàn luận đã gây áp lực đối với Trung Quốc.
Giáo sư Renato kể một câu chuyện cho thấy Trung Quốc đã phải luôn nỗ lực biện hộ liên quan đến vụ kiện của Philippines. Tháng 4 năm ngoái tại Manila, có một cuộc hội thảo do Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ tổ chức. Một trong những phiên thảo luận là về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Và một thành viên trong đoàn của Trung Quốc đã gặp đại tá hải quân Mỹ yêu cầu họ “không để các nhà ngoại giao Philippines thảo luận về vụ kiện của Philippines”. Nhưng vị đại tá đã trả lời rằng điều đó không thể.
“Thật lạ lùng! Trung Quốc còn muốn cấm cả người Philippines bàn về vụ kiện của Philippines trên chính đất nước Philippines! Họ đã trở nên quá ngạo mạn đến ngớ ngẩn”, giáo sư Renato bình luận./.