Từ quan điểm của Philippines, giàn khoan thứ nhất của Trung Quốc là nhằm vào Việt Nam, nên giàn khoan thứ hai có thể nhằm vào Philippines.

Giáo sư Renato DeCastro, trường Đại học De La Salle, Manila, Philippines đã nhận định như vậy bên lề Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” vừa diễn ra tại Đà Nẵng ngày 20-21/6.

 

Giáo sư Renato DeCastro, trường Đại học De La Salle, Manila, Philippines

“Có thông tin cho rằng Trung Quốc đã có sự đánh dấu ở Bãi Cỏ Rong. Tại đây vào tháng 3/2011, Philippines đã đưa một tàu khảo sát đến tìm hiểu khả năng khí đốt và tàu đã bị hai tàu của lực lượng hải giám Trung Quốc ngăn chặn. Vì vậy có khả năng giàn khoan thứ hai này được triển khai tới Bãi Cỏ Rong (Reed Bank - nằm ở phía tây đảo Palawan, Philippines - PV) và nhằm vào Philippines” – Ông Renato DeCastro nói.

“Trung Quốc đã đặt Việt Nam và Philippines trên cùng một con tàu, có thể là nhằm “trả đũa” việc việc Việt Nam và Philippines đã giao lưu bóng chuyền mới đây trên đảo Song Tử Tây, Trường Sa” –  giáo sư Renato nói một cách hình ảnh đầy hài hước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng liệu thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc có quyền phủ quyết “đường 9 đoạn” của Trung Quốc hay không, giáo sư Renato cho biết: “Đầu tiên, phải đưa ra được “đường 9 đoạn” ảnh hưởng tới an ninh thế giới lên Hội đồng Bảo an và Trung Quốc chắc chắn ngay lập tức sẽ nói “không” với việc thảo luận “đường 9 đoạn” bởi Trung Quốc có quyền phủ quyết. Cho đến nay Trung Quốc không giải thích rõ ràng “đường 9 đoạn” là gì. Trong các cuộc tranh luận, Trung Quốc có lúc cho rằng “đường 9 đoạn” là “lãnh hải”, nhưng có lúc lại là “vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)”. Trung Quốc từ chối giải thích cho chúng ta “đường 9 đoạn” là gì. Nhưng họ thừa biết “đường 9 đoạn” là gì”.

“Đó chính là lý do vì sao Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài quốc tế thuộc Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, với hi vọng tòa án yêu cầu Trung Quốc giải thích “đường 9 đoạn” là gì và từ đó tòa đưa ra phán quyết “đường 9 đoạn” đe dọa Luật quốc tế và dĩ nhiên mọi người đều biết rằng Trung Quốc là một thành viên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS)” – giáo sư Renato khẳng định./.