Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” do Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Phạm Văn Đồng, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, chiều nay (20/6), các học giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tiếp tục phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Triển vọng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông hết sức phức tạp, sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Hội thảo thu hút hơn 100 học giả trong và ngoài nước tham dự.

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Triển vọng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế”, các tham luận của học giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tập trung làm rõ các vấn đề như: “Bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” qua các tư liệu lịch sử và “Giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa theo luật pháp quốc tế”.

anh_3_copy_lwfe.jpg

Hội thảo thu hút sự quan tâm rất nhiều cơ quan báo chí trong nước và quốc tế (Ảnh: VTC news)

Tiến sỹ Hoàng Việt, giảng viên trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Những bằng chứng mà phía Trung Quốc đưa ra về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian qua hoàn toàn là ngụy tạo. Với những bằng chứng lịch sử và pháp lý, thì chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Tiến sỹ Hoàng Việt cho rằng: “Vấn đề chúng ta cần phải đưa ra giải quyết tranh chấp tại một cơ quan tài phán quốc tế. Nếu như Trung Quốc nhất trí đưa vụ việc ra giải quyết tranh chấp bằng biện pháp quốc tế thông qua một tòa án, thì Việt Nam sẵn sàng. Tôi nghĩ đó là biện pháp công bằng và văn minh nhất trong thời điểm hiện nay”.

Trước đó, trong buổi sáng nay, tại phiên thảo luận về chủ đề: “Sự thật tranh chấp tại 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và những tác động đối với hòa bình, an ninh khu vực”, các đại biểu tập trung làm rõ vai trò của luật pháp quốc tế trong việc thúc đẩy hợp tác giải quyết tranh chấp.

Giáo sư Carl A. Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, hành động đơn phương của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đặt ra các vấn đề lịch sử chính trị và pháp lý phức tạp, liên quan đến các yêu sách tranh chấp về chủ quyền. 

Luật pháp quốc tế đòi hỏi một quốc gia yêu sách chủ quyền phải chứng minh việc chiếm hữu thực sự và quản lý hòa bình, liên tục. Giáo sư Carly le A. Thayer cho rằng, tranh chấp hiện nay về quyền và chủ quyền trong các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa chỉ có thể giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Giáo sư Carl A. Thayer nói: “Tôi cho rằng chúng ta phải thảo luận ở Hội đồng Bảo an liên quan đến giàn khoan này. Ít nhất chúng ta cũng cần phải đưa ra thảo luận và Liên Hợp Quốc sẽ làm trọng tài để có thể yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan để giữ hòa bình trong khu vực”.

Trong khuôn khổ của hội thảo, các đại biểu trao đổi thẳng thắn về sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

Sáng mai (21/6), cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” cũng được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Tại đây, lần đầu tiên nhiều tài liệu, hiện vật được giới thiệu, góp phần khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục từ nhiều thế kỷ qua./.