Sách Trắng gồm hơn 15.000 chữ, chia làm 7 phần chính, trong đó khẳng định Tân Cương là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, giới thiệu sự hình thành của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan ở Tân Cương, sự vi phạm nhân quyền của các hành vi khủng bố bạo lực và cực đoan tôn giáo, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẽ kiên trì việc chống khủng bố mang tính phòng ngừa là nhiệm vụ hàng đầu, tổng kết kinh nghiệm và tiếp tục tích cực tham gia hợp tác quốc tế trong chống khủng bố.
Cảnh sát Trung Quốc tuần tra tại Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương. Nguồn: Kyodo/TTXVN |
Sách Trắng khẳng định, chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại, cũng là đối tượng đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế. Đồng thời cho biết, thời gian gần đây, khu vực Tân Cương và nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước nhiều vụ tấn công khủng bố của ba thế lực, gồm: ly khai dân tộc, cực đoan tôn giáo và khủng bố bạo lực.
Sách Trắng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan ở Tân Cương phù hợp với tôn chỉ và nguyên tắc về chống khủng bố và bảo vệ những quyền cơ bản của con người của Liên Hợp Quốc.
Theo số liệu Sách Trắng đưa ra, từ năm 1990 đến cuối năm 2016, ba thế lực đã gây ra hàng nghìn vụ khủng bố bạo lực tại Tân Cương, làm nhiều dân thường bị sát hại, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát công an hy sinh, gây thiệt hại lớn về tài sản. Trong đó, đáng chú ý là vụ bạo động xảy ra năm 2009 làm gần 200 người thiệt mạng, hơn 1.700 người bị thương và nhiều cơ sở vật chất bị phá hủy.
Từ năm 2014 đến nay, Tân Cương đã triệt hạ được 1.588 băng nhóm và bắt giữ được gần 13.000 phần tử khủng bố bạo lực, thu giữ hàng nghìn thiết bị nổ.
Trung Quốc cho biết, bên cạnh việc nghiêm trị các tội phạm khủng bố bạo lực, nước này còn chú trọng việc cải thiện dân sinh, tăng cường công tác tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm đảm bảo quyền con người cơ bản cho người dân sở tại.
Trung Quốc cũng tái khẳng định việc chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức, song phản đối việc gắn liền chống khủng bố, cực đoan với một quốc gia mặc định nào đó hoặc các vấn đề dân tộc, tôn giáo, phản đối việc dùng “tiêu chuẩn kép” trong vấn đề chống khủng bố.
Về hợp tác quốc tế, cùng với việc tuân thủ các nguyên tắc và quy định quốc tế, trong đó ủng hộ vai trò chủ đạo và điều phối của Liên Hợp Quốc trong hợp tác quốc tế chống khủng bố, Trung Quốc còn ký kết nhiều Công ước quốc tế, tổ chức các cuộc tập trận chung chống khủng bố, tiến hành giao lưu hợp tác song phương và đa phương nhằm trao đổi thông tin tình báo và hợp tác tư pháp.../.
Trung Quốc đáp lại chỉ trích của Mỹ liên quan đến sách Trắng