Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 6/7 có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước khi Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết quan trọng về yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

bien_dong_mjfm.jpg
Đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép trên đá Subi ở Biển Đông. (Ảnh: CSIS)

Reuters trích dẫn nguồn tin từ Tân Hoa xã cho biết, trong cuộc điện đàm, ông Vương Nghị đã cảnh báo Mỹ không nên ủng hộ phán quyết sắp tới của PCA khi cho rằng điều đó là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Ông Vương đã lặp đi lặp lại tuyên bố không công nhận thẩm quyền của PCA trong vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc “nuốt” gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng John Kerry, ông Vương “kêu gọi Mỹ tôn trọng cam kết không đứng về bên nào liên quan đến tranh chấp chủ quyền, thận trọng với lời nói và hành động, không có hành động xâm phạm cái gọi là ‘chủ quyền và lợi ích an ninh’ của Trung Quốc”.

Ông Vương còn nói rằng, bất chấp phán quyết sắp tới của toà PCA, Trung Quốc sẽ bảo vệ vững chắc cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải hợp pháp của riêng mình cũng như bảo vệ vững chắc hòa bình, ổn định”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho rằng, hai nước cần tập trung hợp tác xử lý những sự khác biệt một cách phù hợp.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận ông Kerry có cuộc điện đàm với ông Vương nhưng chưa hé lộ chi tiết cuộc gọi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gabrielle Price nói: “Hai bên thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm. Chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết cuộc điện đàm ngoại giao này”.

Toà PCA ở The Hague, Hà Lan dự kiến công bố phán quyết vào ngày 12/7 tới, làm dấy lên lo ngại về sự đối đầu trong khu vực. Các quan chức Mỹ cho biết, phản ứng của nước này nếu Trung Quốc tiếp tục quyết tâm phớt lờ phán quyết sẽ bao gồm việc tăng cường tuần tra tự do hàng hải áp sát các vùng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có những lời nói và hành động thể hiện thái độ “thách thức” trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết. Mới đây nhất, ngày hôm qua (6/7), Trung Quốc huy động nhiều tàu chiến chủ lực thuộc ba hạm đội tham gia tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và ngang nhiên tuyên bố họ có “thói quen” diễn tập ở đó. 

Với những gì đã và đang diễn ra, các quan chức Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể phản ứng với phán quyết của PCA bằng cách tuyên bố một khu vực nhận diện phòng không ở Biển Đông như nước này từng làm đối với biển Hoa Đông hồi năm 2013 cũng như sẽ đẩy mạnh xây dựng và cải tạo trái phép các đảo nhân tạo ở vùng biển này./.