Tại đây, Bộ trưởng Ngoại giao của 13 nước Trung-Đông Âu và Tây Balkans đề nghị Liên minh châu Âu đẩy nhanh quá trình đàm phán, giúp các nước Tây Balkans sớm gia nhập khối, đảm bảo an ninh, an toàn cho châu lục.

visegrad_2_jcpd.jpg
Hội nghị ngày 11/10 trong khuôn khổ các cuộc họp của nhóm bốn nước Trung Âu (Visegrad). (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto khẳng định Tây Balkans là một khu vực quan trọng của châu Âu, và vì vậy thúc đẩy tiến trình hội nhập của khu vực này vào Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không những sẽ mang lại lợi ích an ninh mà còn cả lợi ích kinh tế đối với châu lục.

Các nước Trung và Đông-Nam Âu ủng hộ quá trình hội nhập của các nước vùng Tây Balkans, bởi chúng ta có một mối quan hệ láng giềng gần gũi và mối quan hệ thương mại chặt chẽ. Một khu vực Tây Balkans bất ổn và luôn căng thẳng sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Trung Âu nói riêng và châu Âu nói chung.

Bộ trưởng Szijjarto dẫn chứng về vai trò quan trọng của khu vực Tây Balkans trong việc đảm bảo an ninh, an toàn cho châu Âu, trong đó việc đóng cửa tuyến đường huyết mạch này vào năm ngoái đã giúp châu Âu giảm phần lớn gánh nặng giải quyết làn sóng người di cư vào đây.

Ông khẳng định quan điểm của các nước Trung Âu muốn EU có một chiến lược hội nhập cụ thể đối với các nước khu vực Tây Balkans. Theo đó, EU cân nhắc tiến hành đàm phán gia nhập khối đối với Serbia và Montenegro vào năm nay, với Macedonia và Albania vào đầu năm 2018, cũng như hoạch định thời gian biểu tiếp theo cho các cuộc đàm phán với Bosnia-Herzegovina và Kosovo.

Đối với NATO, ngoại trưởng Szijjarto cho rằng hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên NATO vào tháng 12 tới cần đưa ra quyết định bắt đầu đàm phán với Macedonia và kích hoạt kế hoạch hành động cơ chế thành viên đối với Bosnia-Herzegovina.

Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng ngoại giao Bulgaria Ekaterina Zaharieva cho biết quá trình hội nhập của châu Âu không thể thành hiện thực và châu Âu không thể an toàn và bình yên nếu EU không có các nước vùng Tây Balkans. Vì vậy Bulgaria muốn có một kế hoạch rõ ràng, cụ thể cho mỗi nước trong khu vực Tây Balkans khi nước này đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên của EU vào đầu năm tới.

Hội nghị này nằm trong khuôn khổ các cuộc họp của nhóm bốn nước Trung Âu (Visegrad - bao gồm Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia) mà Hungary hiện là Chủ tịch luân phiên của nhóm. Ngoài bốn nước Vesegrad, hội nghị còn có sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao của Albania, Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Kosovo, Macedonia, Montenegro, Romania, Serbia và Slovenia./.