Tuyên bố trên của Đặc phái viên Mỹ về Ukraine Kurt Volker đưa ra ngày 27/8 được coi là gáo nước lạnh dội vào triển vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine trong bối cảnh quốc gia này đang tiến hành cải cách để từng bước xích lại gần hơn NATO.

nato_ukraine_ddam.jpg

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo chung tại Kiev ngày 10/7/2017. (Ảnh: AFP)

Phát biểu với báo chí khi tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới thăm Ukraine thảo luận về việc mở rộng sự ủng hộ của Mỹ dành cho quân đội quốc gia Đông Âu này, đặc phái viên Kurt Volker cho biết, Ukraine vẫn chưa sẵn sàng gia nhập NATO chủ yếu do những quy định về an ninh và khó có thể nói khi nào việc gia nhập sẽ xảy ra.

Ngoài ra, đại diện đặc biệt của Mỹ về Ukraine cũng lưu ý tiến trình gia nhập NATO thường kéo dài và quyết định gia nhập vẫn thuộc về Ukraine. Tuy nhiên, ông Volker tin chắc rằng Ukraine có thể thực hiện những cải cách cần thiết, cho phép nước này thực hiện tham vọng nhận quy chế thành viên trong khối liên minh trong tương lai.

Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng cho biết, Mỹ đánh giá cao nỗ lực thay đổi các tiêu chuẩn quốc phòng của Ukraine theo tiêu chuẩn của NATO và mong muốn sự thay đổi trên ngày càng thiết thực hơn.

Nhưng chừng đó là chưa đủ để Ukraine có thể nhận được một cam kết nào đó từ Mỹ về khả năng gia nhập NATO. Hiện tại, Mỹ cũng đang cân nhắc cung cấp thêm các loại vũ khí sát thương cho quốc gia Đông Âu này.

“Mỹ đang xem xét việc viện trợ vũ khí sát thương phòng thủ cho Ukraine”, ông James Mattis nói. “Tôi sẽ thông báo về quyết định này sau khi đánh giá tình hình hiện tại.  Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và duy trì cam kết nâng cao năng lực của quân đội Ukraine để bảo vệ người dân Ukraine cũng như biên giới của NATO”.

Theo giới quan sát, mặc dù cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự nhưng Mỹ cùng nhiều nước thành viên NATO vẫn chưa mặn mà lắm trong việc tiếp nhận quốc gia này, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều biến động. Bởi suy cho cùng, việc kết nạp Ukraine sẽ khiến an ninh của NATO bị đe dọa khi Ukraine vẫn đang chìm trong xung đột và bế tắc.

Hơn thế, điều này cũng đẩy Đông Âu vào một vòng xoáy bất ổn mới và làm gia tăng đối đầu giữa NATO với Nga khi quan hệ song phương vốn đang căng như dây đàn.

Ngoài ra, việc kết nạp Ukraine cũng sẽ gây chia rẽ trong nội bộ khối, giữa một bên là các nước thành viên lâu đời, như Pháp, Đức lưỡng lự trong việc tiếp nhận và bên kia là các thành viên mới, như Ba Lan, Litva thì ủng hộ mạnh mẽ.

Còn với bản thân Ukraine, dù đã nỗ lực rất nhiều song vẫn còn phải trải qua một chặng đường dài mới đáp ứng được tiêu chuẩn của NATO. Chỉ riêng trong lĩnh vực kỹ thuật, Ukraine cần phải có một quân đội hiện đại và hoàn toàn tương tác với quân đội của các thành viên khác trong NATO, khi quân đội Ukraine hiện nay bị đánh giá là chưa đủ năng lực và vẫn còn thiếu nhiều trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, Ukraine cần phải đạt được các tiêu chuẩn về luật pháp, xóa bỏ tham nhũng và chấm dứt tình trạng xung đột trong nước. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, với những rào cản nêu trên, khả năng NATO kết nạp Ukraine làm thành viên trong tương lai gần rất khó thành hiện thực. Thay vì đó quan hệ song phương chỉ dừng lại ở mức tập trung vào việc nâng cao năng lực của lực lượng vũ trang của Ukraine nhằm bảo vệ biên giới của nước này với Nga cũng như tăng cường an ninh cho khu vực biên giới phía Đông của NATO./.