Theo Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo, đây là một phần trong thỏa thuận quân sự toàn diện liên Triều (CMA) được ký hồi tháng 9/2018.

CMA, là yếu tố chủ chốt trong thỏa thuận thượng đỉnh gần đây nhất giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, kêu gọi 2 bên phải có các biện pháp xây dựng lòng tin, trong đó có cả việc rút các binh sỹ và vũ khí ở khu vực biên giới. Hai bên hoàn thành công tác chung về việc dỡ bỏ mìn khỏi Khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điếm (JSA) ngày 20/10.

ban_mon_diem_yonhap_gzeb.jpg
Binh sỹ Hàn Quốc rời khỏi chốt an ninh theo thỏa thuận quân sự liên Triều. Ảnh: Bộ quốc phòng Hàn Quốc/Yonhap

“Không còn quả mìn nào trong khu vực và Triều Tiên thông báo rằng họ đã dỡ bỏ hơn 600 quả mìn”, ông Jeong Kyeong-doo nói tại một phiên họp Quốc hội.

Khi được hỏi về con số cụ thể, ông Jeong Kyeong-doo nói là 636 quả mìn đã được dỡ bỏ.

Về các chốt an ninh bên trong Khu Phi quân sự (DMZ), Hàn Quốc có hơn 60 chốt, cộng thêm các chốt an ninh ở phía Nam DMZ, trong khi Triều Tiên có tới hơn 160 chốt. Ngày 11/11, mỗi bên đã hoàn thành việc rút các binh sỹ và thiết bị khỏi 11 chốt an ninh.

Về chi phí thực hiện thỏa thuận quân sự, Bộ trưởng Jeong Kyeong-doo cho biết ông đã đề xuất 10,1 tỷ won (8,87 triệu USD) trong ngân sách năm tới. “Việc giải giáp khu an ninh chung đã được thực hiện bằng ngân sách trong năm nay và tất cả mọi thứ có thể được giải quyết với 10,1 tỷ won trong năm 2019”.

Ông cho biết thêm, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, đồng thời nhắc lại cuộc đối thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis trong cuộc tham vấn an ninh tại Lầu Năm Góc tháng trước. “Tôi có thể tự tin nói rằng, không có sự chia rẽ nào giữa Hàn Quốc và Mỹ (trong vấn đề này)”.

Quân đội Hàn Quốc cũng đã bắt đầu huy động máy xúc để san phẳng 10 trong số 11 chốt gác thay vì phá hủy bằng thuốc nổ. Hàn Quốc có kế hoạch duy trì một boongke dọc bờ biển phía Đông, được thiết lập ngay sau Hiệp định đình chiến năm 1953. Phía Triều Tiên cũng sẽ bảo duy trì 1 khu vực an ninh.

Tướng Kim Yong-woo, quan chức quân đội cấp cao Hàn Quốc giám sát việc phá hủy chốt gác ở Chorwon, tỉnh Gangwon. Ông nhấn mạnh “Việc phá hủy không thể đảo ngược các chốt an ninh này là biện pháp mang tính biểu tượng nhất và rõ ràng nhất để ngăn chặn các vụ đụng độ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như xây dựng lòng tin”.

Ông cũng nói rằng, các binh sỹ Hàn Quốc đang thúc đẩy các biện pháp lấp đầy lỗ hổng tiềm tàng trong việc phòng thủ do việc dỡ bỏ các chốt an ninh.

Trong khi đó, giới chức quân sự của Hàn Quốc, Triều Tiên và Bộ tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) ngày 12/11 đã có cuộc tham vấn cấp chuyên viên về giải giáp khu An ninh chung. Phiên họp 3 bên diễn ra tại Nhà Tự Do nằm ở phía Nam Bàn Môn Điếm, nhằm thảo luận về hoạt động của các thiết bị giám sát tại đây./.