Các nhà phân tích coi đây là vũ khí có khả năng hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên.
Theo hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA), các tên lửa, được gọi là “vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng”, đã bay 1.500km trước khi đánh trúng mục tiêu và rơi xuống vùng lãnh hải của nước này trong các cuộc thử nghiệm diễn ra vào ngày 11/9 và 12/9.
Cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất cho thấy chương trình vũ khí của Triều Tiên vẫn có sự tiến bộ ổn định bất chấp nước này đang chịu hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ đã bị đình trệ kể từ năm 2019.
“Đây sẽ là tên lửa hành trình đầu tiên của Triều Tiên được chỉ định một cách rõ ràng về vai trò chiến lược. Đây là cách nói thường dùng cho hệ thống vũ khí có năng lực hạt nhân”, Ankit Panda, thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Hiện chưa rõ Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ chế tạo đầu đạn đủ nhỏ để trang bị cho tên lửa hành trình hay chưa, nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi đầu năm cho biết, phát triển bom nhỏ hơn là mục tiêu hàng đầu của nước này.
Quân đội Hàn Quốc không tiết lộ về việc có phát hiện ra các vụ thử nghiệm tên lửa hay không, nhưng cho biết, họ đang tiến hành phân tích chi tiết với sự hợp tác của Mỹ.
Theo KCNA, việc phát triển hệ thống tên lửa mới mang đến cho Triều Tiên “một công cụ răn đe hiệu quả khác để đảm bảo an ninh của quốc gia và giúp ngăn chặn các hoạt động quân sự của các thế lực thù địch”.
Đây được coi là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên sau khi nước này thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm ngắn chiến thuật mới vào tháng 3. Triều Tiên cũng tiến hành một vụ thử tên lửa hành trình chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi cuối tháng 1.
Tên lửa hành trình của Triều Tiên thường ít được quan tâm hơn tên lửa đạn đạo vì chúng không bị cấm một cách rõ ràng theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Không phải tên lửa hành trình gây ra ít mối đe dọa hơn tên lửa đạn đạo, mà bởi những người xây dựng các nghị quyết thiếu sự tưởng tượng như Kim Jong Un và Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên”, Jeffrey Lewis, chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin cho biết.
Ông Lewis cho biết, tên lửa hành trình tấn công đất liền tầm trung là một khả năng đáng chú ý của Triều Tiên. “Đây là một hệ thống được thiết kế để bay dưới các radar phòng thủ tên lửa hoặc xung quanh chúng”, chuyên gia Lewis nói.
Pak Jong Chon, ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động đã thị sát vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không trực tiếp theo dõi vụ phóng lần này./.