Phát biểu trước các thành viên trong nội các mới được thành lập, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing hôm qua (2/2) cho biết, việc chuyển giao quyền lực bắt buộc ngày 1/2 vừa qua là điều “không thể tránh khỏi” sau khi chính phủ tiền nhiện liên tục tránh làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử.
Ông Min Aung Hlaing cho biết, quân đội đã xem xét kỹ lưỡng ảnh hưởng của việc bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền và thực hiện điều đó theo luật pháp quốc gia. Theo ông, việc ban bố tình trạng khẩn cấp là điều cần thiết để “duy trì và bảo vệ giá trị của đất nước và lợi ích của người dân” trước khi giao quyền lực cho các nhà lãnh đạo được bầu trong cuộc bầu cử sắp tới.
Ông Min Aung Hlaing nêu rõ quân đội đang nỗ lực làm việc để đảm bảo sự ổn định của đất nước, đồng thời cam kết sẽ tìm hiểu sự thật phía liên quan đến cáo buộc cho rằng đã có sự bất thường trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 vừa qua. Ông khẳng định quân đội sẽ thực hiện điều này với các thành viên mới của Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar (UEC). Tính đến thời điểm hiện tại đã có tổng cộng 105 người bị bắt giữ liên quan đến cuộc binh biến ngày 1/2.
Sau khi Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020, quân đội cho rằng đã có nhiều bất thường trong cuộc bầu cử này, đồng thời tuyên bố phát hiện hơn 10 triệu trường hợp gian lận cử tri. Giới chức quân đội cho biết, họ tiến hành các vụ bắt giữ nói trên để phản ứng lại những gian lận đã xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã kêu gọi quân đội Myanmar thả bà Aung San Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao bị bắt giữ hôm 1/2./.