Theo AP, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich ngày 26/1 cho biết ông muốn lãnh đạo người biểu tình, cựu Ngoại trưởng Arseniy Yatsenyuk trở thành Thủ tướng nước này.

Ông Yanukovich cũng đồng ý sẽ tìm cách thay đổi Hiến pháp Ukraine để nước này trở thành một nước Cộng hoà Nghị viện theo đúng yêu cầu của phe đối lập.

Người biểu tình dựng hàng rào đối phó với cảnh sát chống bạo động (Ảnh AP)

Theo đó, sẽ tăng thêm nhiều quyền lực hơn nữa cho Thủ tướng và chức Thủ tướng sẽ được bầu bởi Quốc hội chứ không do Tổng thống chỉ định.

Đề xuất này của ông Yanukovich được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Nội vụ Vitali Zakharchenko tuyên bố rằng người biểu tình đã giam giữ và tra tấn hai cảnh sát trước khi thả họ ra.

Tuy nhiên, những người biểu tình đã bác bỏ các buộc trên và cho rằng tuyên bố của ông Zakharchenko là rất mơ hồ và chỉ nhằm tạo cớ cho cảnh sát tấn công người biểu tình.

Việc Tổng thống Viktor Yanukovich muốn lãnh đạo người biểu tình, cựu Ngoại trưởng Arseniy Yatsenyuk trở thành Thủ tướng có thể được coi là một sự nhượng bộ đối với phe đối lập hoặc là một chiến lược của Tổng thống Ukraine.

Ông Yatsenyuk là người đã tích cực vận động cho Ukraine hoà nhập sâu rộng hơn nữa với EU và trong bối cảnh các nước phương Tây đang kêu gọi các phe phái tại Ukraine nhượng bộ lẫn nhau thì việc từ chối đề nghị của ông Yanukovich sẽ khiến ông Yatsenyuk phải chịu nhiều chỉ trích.

Tuy nhiên, việc chấp nhận vị trí này cũng sẽ khiến nhiều người biểu tình cho rằng ông đã “chấp nhận thua cuộc và phản bội lại lý tưởng của phong trào biểu tình nhất là trong bối cảnh đã có 3 người biểu tình thiệt mạng trong tuần qua.

Cả ông Yatsenyuk và một lãnh đạo biểu tình khác, ông Vitali Klitschko- người cũng được đề nghị chức phó Thủ tướng, sẽ có bài phát biểu trước đám đông người biểu tình tại Quảng trường Độc lập, và tối ngày hôm nay (26/1).

Tuy nhiên, ngay trong số những người biểu tình cũng đã có sự chia rẽ trong việc liệu hai nhà lãnh đạo của họ nên làm gì tiếp theo.

“Máu của chúng ta đã đổ và giờ là lúc chúng ta cần phải ngăn chặn đất nước này bị sụp đổ”, bà Alina Semenyuk, một người 40 tuổi, cho biết.

Tuy nhiên, chỉ cách đó vài trăm mét nơi mà cảnh sát và người biểu tình vừa đụng độ trong vài ngày qua, anh Artem Khilkevich, 23 tuổi, lại cho rằng: “Chính quyền đang cố mua chuộc chúng ta nhưng phong trào biểu tình của chúng ta không dễ bị mua chuộc như vậy”.

Cũng trong ngày hôm nay (26/1), khoảng 100 người biểu tình đã nhanh chóng chiếm trụ sở Bộ Năng lượng ở thủ đô Kiev. Bộ trưởng Eduard Stavitskiy sau đó đã tuyên bố rằng các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine vẫn được canh phòng cẩn mật.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Andriy Hrytsenko-một nhân vật quan trọng của phe đối lập đã lên tiếng kêu gọi người biểu tình tự trang bị vũ khí để tự vệ bảo thân.

Tại thành phố Lviv- nơi mà ông Yanukovich không nhận được nhiều sự ủng hộ, các nhà lập pháp tại đây đã bỏ phiếu thông qua việc thành lập hai chính quyền song song tồn tại. Tuy nhiên, hành động này chỉ mang tích chất tượng trưng./.