Sau 4 giờ thảo luận tại thủ đô Kiev, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và các thủ lĩnh đối lập chính đã đạt được nhất trí về một “lệnh ngừng chiến” bắt đầu từ 23h ngày 23/1 (giờ địa phương). Trong một tuyên bố ngay sau cuộc gặp, Tổng tống Viktor Yanukovych cũng cam kết thả tự do cho tất cả những người biểu tình bị bắt giữ.

Thủ lĩnh Đảng Đất mẹ (Fatherland) đối lập Arseniy Yatsenyuk cũng cho rằng, cơ hội tìm kiếm một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia này là “rất cao”.Ông Yatsenyuk nói: “Chúng tôi có sứ mệnh chấm dứt tình trạng đổ máu và đang có một cơ hội lớn nhằm chấm dứt tất cả những gì đang diễn ra hiện nay”. 

ukraina.jpg
Vụ biểu tình ở thủ đô Kiev trở thành bạo lực (Ảnh: Reuters)

Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Viktor Yanukovych đã yêu cầu Quốc hội nước này triệu tập một phiên họp bất thường nhằm nhanh chóng tìm ra một giải pháp chấm dứt khủng hoảng. Theo Chủ tịch Quốc hội Ukraine, các nghị sĩ đang thảo luận khả năng từ chức của Chính phủ, cũng như các văn kiện thông qua mới đây, trong đó có các đạo luật chống biểu tình gây tranh cãi được thông qua hồi tuần trước.

Từ 2 tháng nay, Ukraine chìm trong bất ổn xã hội và chính trị nghiêm trọng sau quyết định của Tổng thống không ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu. Số liệu của lực lượng đối lập cho biết, bạo lực leo thang vài ngày qua ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 5 người và 1.700 người biểu tình bị thương.

Thủ tướng Mikola Azarov đang tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ cho rằng, tại nước này thực sự đang có một âm mưu đảo chính, đồng thời nhấn mạnh việc tổ chức bầu cử Tổng thống sớm là một điều không tưởng. Các cuộc bầu cử sẽ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch trước mùa thu năm sau. Ngay trong các cuộc đàm phán với lực lượng đối lập, Tổng thống Viktor Yanukovych đã từ chối mọi yêu cầu của phe đối lập liên quan tới việc từ chức của Chính phủ và hủy bỏ luật chống biểu tình.

Trong lúc này cộng đồng quốc tế tiếp tục gia tăng sức ép với chính quyền Ukraine. Người phát ngôn Chính phủ Mỹ Jay Carney ngày 23/1, một lần nữa nhấn mạnh, nước này đang xem xét các lệnh trừng phạt nhằm phản ứng trước các vụ bạo lực tại Ukraine. Và những căng thẳng hiện nay ở Ukraine là hậu quả trực tiếp từ thái độ của chính phủ từ chối đáp ứng những yêu cầu chính đáng của nhân dân.

Ông Jay Carney nói: “Chính phủ Mỹ lên án tình trạng bạo lực đang diễn ra tại Ukraine và tiếp tục thúc giục tất cả các bên không để tình hình leo thang và kiềm chế bạo lực. Chúng tôi hoan nghênh việc Tổng thống Viktor Yanukovych đã trực tiếp gặp gỡ các lãnh đạo đối lập. Đối thoại chính trị nhằm đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân Ukraine là bước đi cần thiết đầu tiên nhằm chấm dứt khủng hoảng". 

Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng ngày cảnh báo, Chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych cần chấm dứt những hành động bạo lực nhằm vào người biểu tình sau các cuộc đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát và người biểu tình ở Kiev.

Dù không kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt trừng phạt Ukraine, song Thủ tướng Merkel đã lên tiếng chỉ trích hàng loạt các chế tài nhằm vào người biểu tình. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso sáng 23/1 cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Yanukovych để bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực leo tháng tại Ukraine và yêu cầu nước này tổ chức đối thoại ngay lập tức với lực lượng đối lập. 
        
Dự kiến trong ngày hôm nay, Ủy ban châu Âu về chính sách mở rộng khối Stefan Fule sẽ tới Kiev nhằm trung gian hòa giải cho những căng thẳng hiện nay tại Ukraine. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngọai Liên minh châu Âu Catherine Ashton cũng sẽ tới nước này vào tuần tới./.