Theo Reuters, người biểu tình chống Chính phủ đã lập thêm hàng rào bao vây thêm nhiều đường phố tại thủ đô Kiev sáng 24/1 sau khi lãnh đạo phe đối lập ra về “tay trắng” trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng tại quốc gia Đông Âu này.

Phe đối lập bất bình

Ông Klitschko nói rằng Tổng thống Yanukovich vẫn chưa đạt được điều gì kể từ vòng đàm phán thứ 2 với phe đối lập vào đêm 23/1.

Sau khi nói chuyện với người biểu tình, ông Klitschko đã tiến thẳng đến Quảng trường Kiev nơi ông tuyên bố rằng: “Hàng giờ thảo luận đã không đem lại bất kỳ kết quả nào. Chỉ là phí công vô ích nếu ngồi vào bàn đàm phán với một kẻ luôn muốn lừa dối mình”.

“Tôi thực sự mong rằng sẽ không có đổ máu và không ai phải thiệt mạng. Tôi sẽ vượt qua thử thách này nhưng tôi sợ rằng sẽ có thêm nhiều người bị chết”, ông Klitschko nói.

ukraine_copy.jpg
Người biểu tình đụng độ cảnh sát (Ảnh Reuters)

Trước đó ngày 23/1, Tổng thống Yanukovich đã đề xuất rằng ông đã chuẩn bị nhượng bộ những người biểu tình khi ông kêu gọi một phiên họp Quốc hội đặc biệt vào tuần tới để xem xét những đòi hỏi của họ nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại đây.

Tuy nhiên, sau vài giờ đàm phán với ông Yanukovich vào sáng 24/1 ba chính trị gia đối lập, ông Klitschko, cựu Bộ trưởng Kinh tế Arseny Yatsenyuk và ông Oleh Tyahnibok đã tuyên bố rằng Tổng thống không chịu nhượng bộ gì. Họ cũng yêu cầu những người ủng hộ mình mở rộng phạm vi biểu tình ra nhiều thành phố khác bên cạnh thủ đô Kiev.

“Tôi tin rằng chúng ta phải tiến hành từng bước một. Hôm nay chúng ta có thể biểu tình ở một vài thị trấn, ngày mai lại thêm vài thị trấn nữa. Hôm nay, chúng ta lập vài hàng rào, ngày mai lại lập thêm nhiều hàng rào nữa. Chúng ta sẽ mở rộng lãnh thổ của Maidan (Quảng trường Châu Âu nơi tập trung nhiều người biểu tình tại trung tâm thủ đô Kiev)”, ông Klitschko nhấn mạnh.

Các nhân chứng nói rằng, để đáp lại lời kêu gọi của lãnh đạo người biểu tình, khoảng 1.000 người biểu tình đã rời khỏi Quảng trường Độc lập và bắt đầu dựng thêm hàng rào từ những túi đựng đầy tuyết gần trụ sở của Tổng thống.

Chính phủ Ukraine vẫn cứng rắn

Trong khi nhấn mạnh sự thiếu tin cậy giữa Thổng thống và những người phản đối ông, Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov ngày 23/1 buộc tội người biểu tình đang cố gắng đảo chính và phủ nhận khả năng tổ chức bầu cử Tổng thống trước thời hạn để giải quyết vấn đề hiện nay.

“Tất cả những người ủng hộ cuộc đảo chính này nên nói rõ rằng: “Đúng, chúng tôi muốn lật đổ Chính phủ hợp pháp tại Ukraine”, và không nên núp sau lưng những người biểu tình hòa bình”, ông Azarov phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ.

Hãng Interfaxcủa Nga dẫn lời ông Arazov nói rằng: “Một nỗ lực đảo chính thực sự đang diễn ra”.

Ông Klitschko thất vọng về kết quả cuộc đàm phán với Tổng thống Yanukovich (Ảnh Reuters)

Ông Azarov tuyên bố với Reuters rằng Chính phủ Ukraine sẽ không ban bố tình trạng khẩn cấp. “Chúng tôi không thấy cần phải thực hiện các biện pháp cứng rắn và cực đoan vào lúc này. Nhưng đừng dồn Chính phủ đến chân tường”.

“Mọi người đừng nên nghĩ rằng Chính phủ thiếu nguồn lực để giải quyết đến cùng vụ việc này. Theo Hiến pháp, chúng tôi hoàn toàn có quyền và nghĩa vụ để lập lại trật tự tại Ukraine”, ông Azarov khẳng định.

Tình hình tại Ukraine đã khiến nhiều quốc gia phương Tây lo ngại.

Phương Tây “đứng ngồi không yên”

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/1 đã điện đàm với ông Yanukovich và cảnh báo rằng việc Ukraine thất bại trong việc xoa dịu căng thẳng hiện nay có thể gây ra “hậu họa khôn lường”.

Nhà Trắng cho hay: “Phó Tổng thống nhấn mạnh rằng chỉ có Chính phủ Ukraine mới có thể đảm bảo một kết cục hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay và nếu có thêm đổ máu thì điều đó sẽ gây ra những hệ lụy xấu trong qua hệ của Ukraine với Mỹ".

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ sự giận dữ về việc Chính phủ Ukraine trấn áp người biểu tình.

“Chúng tôi đã rất lo lắng và giận giữ về cách Chính phủ Ukraine thực thi luật pháp và thực sự nghi ngờ về những lời tuyên bố về việc đảm bảo quyền tự do dân chủ cho người dân của họ”, bà Merkel tuyên bố trong một cuộc họp báo.

Tuy nhiên, bà Merkel nhấn mạnh rằng sẽ là sai lầm nếu châu Âu phản ứng với những vụ bạo lực tại Ukraine bằng cách trừng phạt nước này.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi lãnh đạo Ukraine "nhanh chóng tham gia vào các cuộc đối thoại".

Trong khi đó, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu nói rằng ngày 23/1 ông Yanukovich đã thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu A Jose Manuel Barroso và đảm bảo rằng ông đã sẵn sàng cho các cuộc đối thoại và không thấy cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại Ukraine./.