Trong một động thái được cho là "nhượng bộ" phe đối lập giữa lúc làn sóng biểu tình bạo lực chống Chính phủ dâng cao tại Ukraine, Tổng thống Viktor Yanukovych ngày 24/1 cam kết tiến hành cải tổ Chính phủ vào tuần tới, cũng như xem xét sửa đổi luật chống biểu tình - vốn là nguyên nhân gây ra sự phản đối dữ dội trong suốt những ngày qua.

Trong khi đó, phe đối lập lại cho rằng "Ukraine khó có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay nếu không có sự trợ giúp từ phương Tây”. Đêm 24/1, những người biểu tình gây ra một đám cháy lớn tại thủ đô Kiev, cách tòa nhà Chính phủ chỉ vài trăm mét. Họ tiếp tục dựng rào chắn trên các đường phố, chiếm giữ tòa nhà của Bộ nông nghiệp, gõ chiêng trống gây náo loạn trong nhiều giờ tại khu vực Quảng trường độc lập và các đường phố lân cận. 

bao%20luc%20ukraine%201.jpg
Người biểu tình dùng súng cao su bắn vào cảnh sát (Ảnh: AP)

Trong khi đó, hàng nghìn người đã xông vào các trụ sở chính quyền khu vực ở Lviv, Ternopil, Ivano-Frankivsk và Khmelnytsky, thuộc miền Tây và miền Trung Ukraine. Hàng chục người đã bị cảnh sát bắt giữ.

Làn sóng biểu tình chống Chính phủ bao trùm đất nước Ukraine kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych quyết định đóng băng quan hệ với Liên minh châu Âu và thúc đẩy quan hệ với Nga cuối năm 2013. Căng thẳng được đẩy lên cao khi ông Yanukovych phê duyệt một số điều luật sửa đổi, trong đó qui định những hình phạt nghiêm khắc hơn khi tổ chức các vụ gây mất trật tự tập thể, phong tỏa và chiếm các tòa nhà.

Động thái này của Chính phủ Ukraine khiến phe đối lập lo ngại "những sửa đổi về luật mới có thể được sử dụng để trấn áp phong trào của lực lượng đối lập và khởi tố những người đứng đầu lực lượng này".

Trước làn sóng biểu tình lớn có nguy cơ biến thành bạo động, nhằm xoa dịu người biểu tình, Tổng thống Yahnukovych cam kết cải tổ nội các vào tuần tới và sửa đổi luật về chống biểu tình đang gây tranh cãi. Tuy nhiên, ông Yahnukovych không đề cập chi tiết đến việc cải tổ Chính phủ cũng như việc Thủ tướng Mikola Azarov phải từ chức theo yêu cầu trước đó của phe đối lập.

Dù có hành động nhượng bộ, song Tổng thống Ukraine cũng lên tiếng cảnh báo các hành động bạo lực của người biểu tình: “Họ đã bắt đầu chiếm giữ các tòa nhà Chính phủ ở địa phương, gây ra bạo động chống lại các quan chức Chính phủ và gia đình của những người này. Các cơ quan thực thi pháp luật cần phải khôi phục trật tự.

Tổng thống Ukraine nói thêm: “Những người không tôn trọng luật pháp và gây nguy hiểm cho đất nước cần chấm dứt hành động của mình. Chúng tôi đã nhất trí tổ chức một phiên họp đặc biệt của Quốc hội. Trong phiên họp bất thường này, chúng tôi sẽ thảo luận về các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề hiện nay”.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo đối lập tuyên bố, Chính phủ Ukraine cần phải thực hiện nhiều thay đổi hơn nữa để có thể xoa dịu làn sóng biểu tình hiện nay, đồng thời khẳng định, cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng là "nhờ tới sự hòa giải của cộng đồng quốc tế".

Phát biểu tại cuộc hội đàm với Uỷ viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Stefan Fule, lãnh đạo phe đối lập Ukraine Arseniy Yatsenyuk- nêu rõ: “Cuộc khủng hoảng xảy ra tại Ukraine không phải là một cuộc khủng hoảng chính trị mà là một cuộc khủng hoảng dân sự. Chúng tôi đã thảo luận với các đối tác châu Âu của chúng tôi về việc làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng này”.

Ông Yatsenyuk nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay và sẽ tốt hơn nếu có một nhân vật uy tín có thể tham gia làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa Chính phủ và phe đối lập”.

Trong lúc này, Cơ quan An ninh và Nhân quyền của châu Âu tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải, tạo điều kiện cho Chính phủ và phe đối lập tại Ukraine ngồi vào bàn đối thoại. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine, với 46 triệu dân, đang khiến châu Âu thực sự lo ngại. Các nhà lãnh đạo Đức, Pháp đều lên tiếng kêu gọi các bên tại Ukraine tiến tới đối thoại, trong khi Nga cảnh báo chống lại mọi sự can thiệp của phương Tây trong cuộc khủng hoảng này./.