Bên cạnh nội dung chuyến thăm, ông Trump còn nhấn mạnh đến các thành công cả trong chính sách đối ngoại và đối nội của Mỹ kể từ khi lên nắm quyền. Chuyến công du này cũng được xem là một thành công đối với cá nhân Tổng thống Trump khi nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại khu vực.
Mở đầu cuộc họp báo, thay vì đi ngay vào nội dung của chuyến công du châu Á, Tổng thống Trump đã điểm lại những thành công về chính sách đối ngoại của mình trong các chuyến công du trước đây. Với Trung Đông, đó là thành công trong nỗ lực chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, thúc đẩy hòa bình khu vực. Với châu Âu, đó là củng cố quan hệ đồng minh NATO và các nước đối tác quan trọng khác như Ba Lan, Italia, Đức, Pháp. Theo đó, trong mọi chuyến công du, Tổng thống Trump đều nỗ lực thúc đẩy lợi ích và vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ.
Đối với chuyến công du châu Á lần này, chuyến công du châu Á dài nhất của một tổng thống Mỹ trong vòng gần 30 năm qua, Tổng thống Trump khẳng định đã mang lại nhiều thành quả tích cực với 3 mục tiêu chính.
Thứ nhất, đoàn kết toàn thế giới đối phó với nguy cơ đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên; thứ hai, tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do; thứ ba, thúc đẩy công bằng và đối xứng cho nước Mỹ.
Điểm lại nội dung và các thành quả đạt được khi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và các hội nghị thượng đỉnh khu vực, Tổng thống Trump tuyên bố thông điệp của Mỹ đối với khu vực rất rõ ràng, nước Mỹ ở đây là để cạnh tranh, kinh doanh và bảo vệ các giá trị cũng như an ninh của nước Mỹ.
Trong chặng dừng chân tại Việt Nam, Tổng thống Trump cho biết ông đã có cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam để thảo luận về mối quan hệ tốt đẹp đang phát triển giữa hai nước.
Về nội dung các cuộc tiếp xúc, tổng thống Trump cho biết: “Hai bên cam kết mở rộng thương mại và đầu tư giữa hai nước và cũng cam kết sẽ giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại. Tôi đặc biệt vui mừng thông báo rằng Mỹ và Việt Nam mới đây đã ký kết các hợp đồng thương mại trị giá 12 tỷ USD, trong đó riêng của phía Mỹ là 10 tỷ”.
Đa số các ý kiến trong giới chuyên gia Mỹ đều nhận định chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả hai nước. Những thỏa thuận thương mại trị giá hàng chục tỷ USD là tín hiệu tích cực, tuy nhiên, hai nước cần phải làm nhiều hơn nữa để hợp tác thương mại, đầu tư đi vào thực chất.
Chuyên gia Murray Hibert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ nhận định: “Tôi nghĩ rằng đây là các dấu hiệu hết sức tích cực. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc ký kết các hợp đồng thương mại này chưa thể giải quyết thâm hụt thương mại. Điều quan trọng là cả Mỹ và Việt Nam phải nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước chứ không chỉ chú trọng vào giảm bớt thâm hụt thương mại”./.Tham vọng Ấn Độ-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump