Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/11 đã kết thúc chuyến công du châu Á - đợt công du khu vực này dài ngày nhất của một Tổng thống Mỹ kể từ năm 1991 đến nay. Nếu như mục đích chính của ông Trump trong chuyến đi tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines là nhằm tăng cường quan hệ với các nước này thì chuyến đi được đánh giá là thành công dù những chính sách thực tế giành được là không nhiều.

trump_bia_fwup.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/Getty.

Trong thời gian ở châu Á, ông Donald Trump đã xây dựng được hình ảnh một Tổng thống Mỹ dễ chịu hơn ở quê nhà – nơi ông đang đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp sau những lùm xùm xung quanh cáo buộc đội ngũ của ông có mối liên hệ không rõ ràng với Nga. Ở những chặng dừng chân trong chuyến công du châu Á, ông Trump luôn nhận được sự tiếp đón trọng thị và những lời ngợi khen từ lãnh đạo các nước trong các cuộc họp báo chung.

Ngay cả Triều Tiên, trong suốt thời gian Tổng thống Mỹ có mặt ở châu Á, dù Bình Nhưỡng tiếp tục có những lời đe dọa nhưng đã không tiến hành bất kỳ vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân nào như lo ngại của nhiều người trước đó.

Ông William Chong, chuyên viên cao cấp về An ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định, dường như Tổng thống Mỹ đã tránh trực tiếp nêu tên nhà lãnh đạo Triều Tiên, không muốn kéo ông Kim Jong-un vào cuộc khẩu chiến khi có mặt ở châu Á.

Tuy nhiên, ông Chong cho rằng vẫn có những nghi ngại sâu sắc trong khu vực về chính sách và cam kết thực sự của Tổng thống Mỹ Trump, đặc biệt về mặt kinh tế và thương mại.

Quan hệ gần gũi và gần gũi hơn nữa

Trong điểm dừng chân đầu tiên ở Nhật Bản, Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe đã chào đón Tổng thống Mỹ bằng một lịch trình mở, phụ thuộc vào ngẫu hứng của ông Trump. Bày tỏ lạc quan về mối quan hệ đồng minh khăng khít Nhật-Mỹ, ông Abe hết lời khen ngợi Tổng thống Mỹ và bày tỏ tin tưởng “chưa bao giờ trong lịch sử liên minh Nhật - Mỹ, lãnh đạo của hai nước lại có mối quan hệ gần gũi như thế”.

Hai lãnh đạo đã kí tên lên mũ có dòng chữ “Make Alliance Even Greater”, nghĩa là “Làm liên minh thêm vĩ đại hơn” tương tự khẩu hiệu của ông Trump khi tranh cử là Make America Great Again. Ảnh: AP.

Nếu như mối quan hệ thân tình giữa ông Abe và ông Trump không phải là điều gì bất ngờ thì sự nồng ấm trong quan hệ giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Hàn Quốc lại khiến nhiều người ngạc nhiên.

Còn nhớ, ông Trump từng công khai chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và việc thiếu mối liên hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo dẫn đến hậu quả là ở một số thời điểm, Hàn Quốc dường như bị bỏ qua trong các đối sách của Mỹ với Triều Tiên.

Mặc dù vậy, trong một cuộc họp báo chung giữa lãnh đạo hai nước hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã có những ngôn từ mang tính hòa giải với Tổng thống nước chủ nhà khi nói ông tin rằng “sẽ thực sự có ý nghĩa khi đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán và việc có được một thỏa thuận không chỉ tốt cho người dân Triều Tiên mà còn tốt cho cả thế giới”.

Ở Trung Quốc – đất nước từng bị Tổng thống Mỹ chỉ trích nặng nề vì thâm hụt thương mại song phương, ông Trump đã được “trải thảm đỏ” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để chào đón. Để đáp lễ, Tổng thống Trump cũng không tiếc lời khen ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Những ngôn từ ông Trump dành cho Trung Quốc khi nói đến trách nhiệm của nước này trong việc kiềm chế Triều Tiên cũng nhẹ nhàng hơn.

Video Tổng thống Mỹ Donald Trump tại APEC Việt Nam.

“Cuộc gặp của chúng ta (Donald Trump-Tập Cận Bình) rất tuyệt vời khi thảo luận về Triều Tiên. Cũng giống như ông Tập Cận Bình, tôi hoàn toàn tin tưởng có giải pháp cho vấn đề này”, Tổng thống Mỹ nói. 

Quan hệ giữa ông Trump và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng được tăng cường trong chuyến đi lần này.

“Người Nhật có lẽ đã đi tiên phong trong việc có ứng xử phù hợp với ông Trump, lôi ông ấy ra khỏi bất kỳ cuộc tranh luận không đáng có nào về những vấn đề nóng trong khu vực”, chuyên gia Chong nhận định.

Thương mại

Thương mại là chủ đề lớn trong chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Mỹ. Điều này được phản ánh rõ nét qua những lời lẽ hùng biện mạnh mẽ của ông Trump tại Việt Nam về việc “đặt nước Mỹ lên trên hết”.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã rất khéo léo khi không để quan điểm bảo hộ của ông làm các nước chủ nhà phật ý, thay vào đó, ông tập trung hướng mũi dùi chỉ trích vào các chính quyền tiền nhiệm.

“Sự mất cân bằng thương mại hiện nay là không thể chấp nhận được”, ông Trump nói. “Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác vì đã kiếm lợi từ thương mại với Mỹ. Nếu các đại diện thương mại của họ cảm thấy ổn khi làm điều này, họ sẽ làm thôi. Tôi ước rằng, các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ hiểu được điều gì đã xảy ra và hành động. Họ đã không làm như vậy nhưng tôi sẽ làm”.

Tổng thống Mỹ đưa ra cam kết: “Tôi sẽ ký kết các hiệp định thương mại song phương với bất kỳ quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác thương mại của chúng tôi và sẽ tuân thủ các nguyên tắc về thương mại bình đẳng và có đi có lại. Chúng tôi sẽ không tham gia vào các thỏa thuận lớn khiến chúng tôi bị 'trói tay', hy sinh chủ quyền của mình và khiến việc thực thi các nguyên tắc về công bằng thương mại trở thành bất khả thi”.

Mặc dù vậy, chuyên gia Chong cho rằng, thông điệp này ít được các quốc gia từng đặt nhiều kỳ vọng về TPP trong khu vực đón nhận, bởi chính ông Trump là người chủ trương rút khỏi hiệp định này.

Trên thực tế, 11 quốc gia còn lại trong TPP đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực tiến lên phía trước bằng cách xây dựng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)- tên gọi mới của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phiên bản không có Mỹ.

Champa Patel, chuyên gia tại viện chính sách Chatham House, trụ sở ở London tỏ ra hoài nghi: “Những tuyên bố của ông Trump về thương mại có thể là rất tốt khi được đưa ra tại Mỹ. Tuy nhiên lấy gì để đảm bảo Mỹ sẽ đạt được cân bằng về thương mại với Trung Quốc, sau kết quả chuyến thăm của ông Trump?".

Triều Tiên

Trước chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chuyên gia về châu Á Harry Kazianis của Trung tâm Lợi ích Quốc gia (Mỹ) nhận định: “Chuyến đi này sẽ tập trung 90% vào Triều Tiên và 10% vào thương mại”.

Dự đoán này đã được chứng minh là hoàn toàn đúng và Triều Tiên đã trở thành chủ đề chính trong 3 chặng dừng chân đầu tiên của ông Trump tại châu Á. Cả Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng Thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều ủng hộ cách tiếp cận của ông Trump đối với vấn đề Triều Tiên. Tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại cam kết của Bắc Kinh trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

“Trong chuyến thăm đầu tiên tới Đông Bắc Á trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump vẫn giữ được mối quan hệ gần gũi, sâu sắc với các đồng minh và đã thành công trong việc truyền đạt thông điệp về cam kết vững chắc của Mỹ với đồng minh và trong việc giải quyết mối đe dọa từ phía Triều Tiên”, Scott Snyder, thành viên nhóm nghiên cứu chuyên sâu về Quan hệ Đối ngoại (Mỹ) nhận định.

Hai ông Donald Trump và Moon Jae-in tổ chức họp báo chung tại Nhà Xanh. Ảnh: Reuters.

Dù có sử dụng những lời lẽ khá gay gắt nhằm vào Triều Tiên trong bài diễn văn trước Quốc hội Hàn Quốc, nhưng sau đó, khi trả lời phỏng vấn các phóng viên tại Đà Nẵng, Việt Nam ông Trump lại dịu giọng khi nói cánh cửa đàm phán vẫn mở và rằng một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un “sẽ là một điều tốt… cho Triều Tiên… và tốt cho cả thế giới”.

Theo nhận định của giới quan sát, có lẽ, Tổng thống Mỹ không có lý do gì để làm căng khi Triều Tiên thể hiện sự kiềm chế rõ ràng trong lúc ông Trump có mặt ở châu Á.

Vẫn là tranh cãi về Nga

Trong khi các cuộc điều tra về mối quan hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump với Nga vẫn đang diễn ra, có mặt tại Hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam, ông Trump đã có tuyên bố chẳng khác nào thách thức các cơ quan tình báo Mỹ khi cho rằng, ông tin lời khẳng định của Tổng thống Nga rằng không can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Ông Trump cho hay trong cuộc trao đổi bên lề APEC ở Đà Nẵng, ông đã hỏi lại nhiều lần ông Putin về cáo buộc Nga cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm ngoái.

"Ông ấy nói ông ấy không xen vào. Tôi đã hỏi lại ông ấy", AFP dẫn lời tổng thống Mỹ. "Các bạn chỉ có thể hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Ông ấy nói ông ấy hoàn toàn không can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi".

Tổng thống Trump cho hay ông tin rằng ông Putin thành thực và thêm rằng Tổng thống Nga dường như cảm thấy "bị xúc phạm" bởi những cáo buộc dai dẳng trên, "một điều không tốt" cho Mỹ. 

Ông Trump một lần nữa nhắc lại quan điểm cho rằng vụ bê nối này là do các đảng viên Dân chủ “vẽ lên” nhằm đánh lạc hướng dư luận về thất bại nặng nề của đảng này trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump bị một số nhà phê bình cho là không phù hợp, nhất là vào thời điểm nhạy cảm hiện nay.

“Không cần ông Trump đưa ra tuyên bố như vậy ở vào thời điểm hiện tại bởi vụ việc đang được đội của Cố vấn đặc biệt Robert Mueller điều tra làm rõ. Một tuyên bố như vậy sẽ chỉ khiến người ta đặt thêm nhiều câu hỏi tại sao mối quan hệ với Tổng thống Nga Putin lại quan trọng đối với ông ta [Donald Trump-ND] đến như vậy?”, nhà phân tích chính trị Julian Zelizer của CNN bình luận.

Ông Zelizer cũng cảnh báo, sự thiếu ủng hộ trong nội bộ nước Mỹ hoàn toàn có thể làm suy yếu những chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ.

“Điều gì xẽ xảy ra khi các nhà lãnh đạo nước ngoài xem bản tin về Mỹ, họ nhận ra một vị Tổng thống bị suy yếu về vị thế và hầu như không có khả năng thực hiện được nhiều điều, không nhận được sự ủng hộ của nước Mỹ để triển khai bất kỳ sáng kiến ngoại giao và quân sự nào?", ông Zelizer nói./.