Ngày 13/11 vừa qua, 6 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc họp báo chính thức đầu tiên về chính sách đối nội cũng như đối ngoại của chính phủ. Đây là thời điểm quan trọng đã trở thành truyền thống trong nhiệm kỳ của mọi Tổng thống Pháp, là dịp để Tổng thống đánh bóng lại hình ảnh của mình trên các trang báo hay qua các cuộc thăm dò dư luận. Mặc dù buổi họp báo được cho là thành công nhưng trên thực tế, không phải dễ dàng cho Tổng thống Hollande và Chính phủ của ông có thể lấy lại lòng tin của người dân và cử tri Pháp.

Cuộc họp báo lần đầu tiên sau 6 tháng cầm quyền của Tổng thống Pháp Francois Hollande vào cuối ngày 13/11 tại điện Elysée được đánh giá là khá thành công. Trong gần 2 giờ đồng hồ họp báo trước gần 400 phóng viên Pháp và nước ngoài, với phong thái thoải mái nhưng không kém phần quyết đoán, Tổng thống Pháp Francois Hollande chỉ dùng 20 phút để giới thiệu các chính sách mới của chính phủ, phần lớn thời gian còn lại được dùng để giải đáp các câu hỏi của các phóng viên, tập trung vào những vấn đề thời sự hiện nay như cạnh tranh, tăng thuế giá trị gia tăng, tình tạng thất nghiệp và tội phạm gia tăng, hôn nhân đồng tính, nguy cơ suy thoái, vai trò của Thủ tướng…

tong-thong-phap.jpg
Tổng thống Pháp Francois Hollande (Ảnh: AFP)

Tổng thống Pháp nhắc lại “ba thách thức” hiện nay của chính phủ là tái định hướng châu Âu, giảm bớt nợ công của Pháp và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Pháp. Ông Hollande nhận trách nhiệm và khẳng định sẽ tiếp tục các chính sách được vạch ra, bảo vệ chương trình thúc đẩy kinh tế đã được Chính phủ giới thiệu đầu tuần qua nhằm đưa nước Pháp thoát khỏi khủng hoảng…

Cuộc họp báo diễn ra trong bối cảnh chính phủ Pháp đang loay hoay nhằm khôi phục lại sức cạnh tranh của nền kinh tế, 5 nghiệp đoàn lao động lên kế hoạch biểu tình và đình công quy mô lớn để phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng, tỷ lệ tội phạm và thất nghiệp tăng cao, những phát biểu trái ngược và gây tranh cãi của các thành viên nội các… khiến uy tín của Chính phủ và đảng Xã hội (PS) cầm quyền xuống thấp.

Thực tế, sau giai đoạn đầu áp dụng những lời hứa hẹn tranh cử như việc làm cho giới trẻ, tái lập một phần việc về hưu ở tuổi 60… thì giờ đây, chính phủ Pháp đang phải đối mặt với một thực tế điều hành các chính sách kinh tế và xã hội khó khăn. Sự chọn lựa về chính sách kinh tế của Tổng thống François Hollande và Đảng Xã hội (PS) cầm quyền không được những người trung thành với cánh tả ủng hộ, thậm chí tỏ ra nghi ngờ đường lối cánh tả của đảng.

Ông Eric Coquerel, Thư ký toàn quốc của Đảng Cánh tả (PG) cho biết:

 “Chúng tôi không nghĩ rằng việc Chính phủ áp dụng chính sách hướng tới chủ nghĩa tự do lại đi quá nhanh và mạnh như vậy. Khi một Đảng Dân chủ - xã hội áp dụng chính sách này, thì nhiều khả năng đó chỉ là sự thay thế cho đảng cánh hữu và cực hữu”.

Phe cánh hữu thì tranh thủ để làm suy yếu Chính phủ của Tổng thống Hollande. Ông Florian Philippot, Phó Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) cho biết: “Tổng thống Hollande áp dụng chương trình cải cách được quyết định bởi cá nhân ông, bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM), Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE), Tổ chức thương mại thế giới (WTO)… Tổng thống áp dụng các chính sách giống như đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) sẽ làm nếu thắng cử. Không có một sự sáng tạo, một sự thay đổi nào so với những chính sách đã được thực thi về kinh tế và với Liên minh châu Âu”.

Do vậy, sau 6 tháng cầm quyền, việc tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với cá nhân Tổng thống Hollande và chính phủ của ông đã giảm từ 55% trong tháng 6 xuống còn 36-42% theo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận gần đây… là điều có thể hiểu được.

Tuy nhiên, đối mặt với những chỉ trích này, một lần nữa, Tổng thống Hollande lại cho thấy hình ảnh của một người lãnh đạo có bản lĩnh, sẵn sàng cùng chính phủ của mình đương đầu với những khó khăn thử thách. Chủ tịch Viện CSA Bernard Sananes nhận xét, Tổng thống Hollande trước hết đã “mang lại cho người Pháp lý do để hy vọng trong khi cuộc khủng hoảng vẫn đang hiện hữu và tinh thần người dân xuống mức thấp nhất”. Còn Nghị sĩ đảng Liên minh Dân chủ và độc lập Jean-Christophe Lagarde thì cho rằng đây là thời điểm thử thách đối với Tổng thống Hollande và chính phủ của ông.

Ông Jean-Christophe Lagarde nói: “Nếu ông François Hollande có đủ dũng cảm để theo đuổi các chính sách nhằm tăng sức cạnh tranh, cắt giảm 30 tỷ Euros thuế lương bổng của Pháp và dùng nó để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Pháp mở rộng đầu tư và tạo việc làm, thì khi đó, ông mới thực sự là một vị Tổng thống. Ông có làm phật ý các đồng minh của mình, nhưng những việc ông làm sẽ thật sự phụng sự cho nước Pháp”.

Và kết quả của các chính sách này, như các chuyên gia dự đoán, sẽ không thể thấy được trước cuối năm 2013, thậm chí là phải sang năm 2014. Trong thời gian này, Tổng thống Hollande và Đảng Xã hội (PS) của mình sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức về uy tín khi sắp tới sẽ diễn ra một loạt các cuộc bầu cử quan trọng, đó là bầu đại biểu châu Âu và địa phương năm 2013, và hội đồng cấp vùng năm 2014./.