Cuộc tranh luận thứ 3 và cũng là cuối cùng giữa 2 ứng cử viên Barack Obama và Mitt Romney đã kết thúc vào tối 22/10 (giờ Washington) với phần thắng nghiêng về đương kim Tổng thống Mỹ.

Đây được coi là trận “quyết đấu” giữa 2 ứng cử viên khi mỗi người lần lượt giành chiến thắng trong các vòng tranh luận trước.

romney-and-obama-bai-a-q.jpg
Ứng cử viên Romney và Tổng thống Obama (ảnh: Reuters)

Ít có mùa bầu cử nào trong lịch sử nước Mỹ mà các cuộc tranh luận lại có tác động lớn tới cử tri như mùa bầu cử năm nay. Chỉ sau vòng tranh luận thứ nhất, ứng cử viên Romney từ tình thế gần như tuyệt vọng đã vươn lên san lấp khoảng cách với Tổng thống Obama và thậm chí còn dẫn điểm tại một số bang quan trọng. Chính vì vậy mà hai ứng cử viên hiểu rõ rằng họ có thể sẽ phải trả cái giá rất đắt nếu phạm bất kỳ sơ sẩy nào trong cuộc tranh luận cuối cùng với chủ đề chính sách đối ngoại.

Trong khi Tổng thống Obama tìm cách khoét sâu vào sự non kém trong kinh nghiệm đối ngoại của đối thủ thì ứng cử viên Romney cố gắng chứng minh rằng chính sách của đương kim tổng thống đang khiến nước Mỹ trở nên dễ bị tổn thương hơn và mất dần ảnh hưởng trên thế giới.

Trên thực tế, Tổng thống Obama đã tận dụng toàn bộ kinh nghiệm lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm qua để chứng tỏ với cử tri rằng ông mới là “Tổng tư lệnh đích thực”, khi liên tục dồn ứng cử viên Romney vào thế chống đỡ trong mọi vấn đề, từ tình hình Trung Đông. Bắc Phi cho đến vai trò của Mỹ trên thế giới.

Trong khi đó, dường như hiểu rõ đối ngoại không phải là thế mạnh của mình nên ông Romney đã lựa chọn chiến thuật an toàn, cố gắng tránh sai lầm, nhưng chính điều này lại khiến ông lâm vào thế bị động. Thay vì tấn công những khiếm khuyết trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama trong 4 năm qua, ông Romney đôi lúc lại thỏa hiệp với những giải pháp mà đối thủ đang thực hiện tại những điểm nóng như Syria, Afghanistan, hay trong chương trình hạt nhân của Iran. Ngoài ra, để khỏa lấp khoảng trống trong kinh nghiệm đối ngoại, ông Romney nhiều lần cố lái cuộc tranh luận sang các vấn đề kinh tế và việc làm vốn là “khoảng tối” của chính quyền Obama.

Ứng cử viên của Đảng Cộng hòa chỉ trích đối thủ là một chính trị gia “yếu kém” và “do dự” trên trường quốc tế. Trong nhiệm kỳ vừa qua, theo ông Romney, Tổng thống Obama đã làm quá ít để hậu thuẫn các phong trào dân chủ trên toàn cầu, chẳng hạn như tại Iran. Ông Romney cũng chỉ trích đối thủ đã quá tập trung vào nỗ lực tiêu diệt kẻ thù mà không chú trọng tới gốc rễ của vấn đề. Ông tuyên bố nếu giành thắng lợi vào ngày 6/11 tới, ông sẽ xây dựng một chiến lược hoàn chỉnh để khuyến khích người Hồi giáo trên khắp thế giới “cự tuyệt” với chủ nghĩa cực đoan bạo lực bằng cách hợp tác với các nước trong phát triển kinh tế, bình đẳng giới và xây dựng một xã hội dân sự.

Ông Romney cho rằng nước Mỹ cần đóng vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy các giá trị phổ quát và giải quyết xung đột quốc tế.

“Chúng ta muốn chấm dứt những cuộc xung đột theo cách nhân bản nhất có thể. Nhưng để có thể thực hiện được vai trò đó thì nước Mỹ phải mạnh, phải đứng trên tuyến đầu. Để được như vậy, chúng ta phải củng cố nền kinh tế trong nước. Chúng ta không thể làm được điều đó khi 23 triệu người đang phải vật lộn để kiếm việc làm, khi một nửa sinh viên tốt nghiệp hiện nay đang thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng không tương xứng với bằng cấp của họ”, ông Romney nói.

Đáp trả quan điểm của ứng cử viên Romney, Tổng thống Obama khẳng định: “Mỹ vẫn là một quốc gia không thể thay thế. Thế giới cần một nước Mỹ mạnh và nước Mỹ hiện tại đã hùng mạnh hơn khi tôi nhậm chức. Chúng ta đã kết thúc cuộc chiến tranh tại Iraq, đã có thể tập trung không chỉ vào mối đe dọa khủng bố, mà còn bắt đầu tiến trình chuyển giao ở Afghanistan. Điều đó cũng cho phép chúng ta chú trọng tới các nước đồng minh và những mối quan hệ đã bị lãng quên trong suốt một thập kỷ”.

Tổng thống Obama nhấn mạnh, ông Romney thiếu hiểu biết về những thay đổi về bản chất quân sự, quốc phòng khi cho rằng quân đội Mỹ mà điển hình là lực lượng hải quân đã suy yếu đáng kể so với những thập kỷ trước. Ông Obama nói sức mạnh của quân đội Mỹ không nằm ở số lượng tàu chiến hay máy bay mà là tiềm lực của chúng.

Ứng cử viên của Đảng Dân chủ còn mỉa mai quan điểm của ông Romney rằng Nga là kẻ thù hàng đầu của nước Mỹ xét về mặt địa chính trị, gọi đây là sự trỗi dậy của chính sách chiến tranh lạnh những năm 1980.

Trước một đối thủ bị “lép vế” và không đưa ra được chính sách đối ngoại khả dĩ hơn, Tổng thống Obama đã đánh bại cựu Thống đốc Massachusetts một cách không mấy khó khăn trong vòng tranh luận trực tiếp cuối cùng.

Kết quả thăm dò ý kiến của kênh truyền hình CNN cho thấy, 48% cử tri theo dõi cuộc tranh luận cho rằng Tổng thống Obama làm tốt hơn ông Romney trong khi 40% có ý kiến trái ngược. Tỷ lệ này còn chênh lệch lớn hơn nữa trong kết quả thăm dò của kênh CBS News: 53% nghiêng về phía Tổng thống Obama và chỉ 23% chọn ông Romney.

Ngay cả nhà hoạch định chiến lược của Đảng Cộng hòa Alex Castellanos cũng phải thừa nhận rằng Tổng thống Obama đã giành ưu thế gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, không ít chuyên gia nhận định rằng cuộc tranh luận cuối cùng này chưa chắc sẽ có ảnh hưởng quyết định đến lá phiếu của cử tri khi kinh tế luôn là vấn đề quan tâm số một trong cuộc bầu cử năm nay./.