Sáng 17/10 (theo giờ Việt Nam), tại thành phố New York (Mỹ) đã diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ hai giữa ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ - đương kim Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney- cựu Thống đốc bang Masachusetts. Đây là cuộc đấu trí gay cấn trong bối cảnh cả hai ứng cử viên đang cố gắng giành giật từng lá phiếu của những cử tri còn do dự.

Có thể nói đây là một trong những cuộc khẩu chiến quyết liệt nhất trong những mùa bầu cử gần đây tại Mỹ. Ứng cử viên Romney vào trận với vị thế của người chiến thắng trong khi cơ hội tái cử của Tổng thống Obama sẽ trở nên mong manh hơn bao giờ hết nếu ông không thể đánh bại đối thủ trong trận chiến quyết định này. Và Tổng thống Obama thực sự đã hoàn toàn “lột xác” so với lần tranh luận đầu tiên. Ông đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn cả về mặt tâm thế và nội dung, trả lời rõ ràng và cụ thể trước các câu hỏi của cử tri trực tiếp theo dõi phiên tranh luận tại hội trường cũng như phần chất vấn của đối thủ và người điều khiển phiên tranh luận.

 

obama%20uu%20the%20truoc%20romney.jpg
Chủ động tấn công nhưng ông Romney đã không giành được ưu thế trước đương kim Tổng thống (ảnh: Tân Hoa xã)

Ông Obama không ít lần dồn ép đối thủ trong nhiều chủ đề, từ chính sách thuế cho đến thương mại và ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là sự thiếu nhất quán của ông Romney trong những chính sách xã hội. Khi cuộc tranh luận bước sang nhưng vấn đề nằm ngoài phạm vi kinh tế, ứng cử viên Romney dường như chưa chuẩn bị đầy đủ để đối phó với những “đòn đánh” từ phía đương kim Tổng thống, đặc biệt là trong lĩnh vực đối ngoại.

Nói một cách khách quan thì những câu hỏi mà người tham dự đưa ra khá có lợi cho ông Tổng thống Obama, khi chỉ một phần nhỏ trong số đó liên quan đến vấn đề kinh tế, tạo điều kiện để ứng cử viên Đảng Dân chủ khuếch trương những điểm mạnh của ông như chính sách nhập cư, quốc phòng, giáo dục và chống phân biệt đối xử với phụ nữ. 

Một trong những vấn đề nóng nhất trong cuộc tranh luận lần này là chính sách thuế. Trong khi Tổng thống Obama chủ trương cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và tăng thuế đối với người giàu thì ứng cử viên Romney đề xuất cắt giảm thuế toàn diện. Tuy nhiên, biện pháp mà cả 2 ứng cử viên đưa ra, theo các nhà phân tích, đều không thể bù đắp được khoản thâm hụt ngân sách lên đến hàng nghìn tỷ USD.

Tổng thống Obama nói ông sẽ siết chặt chính sách thuế đối với các doanh nghiệp đưa việc làm ra nước ngoài, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo qua việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học- công nghệ để thu hút đầu tư và tạo việc làm cho người dân Mỹ. Trong khi đó, ứng cử viên Romney cũng khẳng định ông sẽ đưa nước Mỹ trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất thế giới đối với các doanh nghiệp bằng cách giảm thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và đảm bảo một sân chơi bình đẳng trong lĩnh vực tiền tệ và quyền sở hữu trí tuệ.

Về đối ngoại, ứng cử viên Romney tiếp tục khoét sâu vào vụ tấn công  tại thành phố Banghazi (Lybia) hôm 11/9 vừa qua, khiến Đại sứ và 3 nhà ngoại giao khác của Mỹ thiệt mạng.

Ông Romney nhấn mạnh: “Nhiều ngày đã trôi qua trước khi chúng ta có thể biết được liệu đó là một cuộc biểu tình tự phát hay thực chất là một vụ tấn công khủng bố. Không có cuộc biểu tình nào liên quan. Đó là một vụ tấn công khủng bố và phải mất một thời gian dài để người dân Mỹ được thông báo như vậy. Liệu có một số sai lầm hay chúng ta đã không thể biết chính xác điều gì đã xảy ra? Tôi nghĩ Tổng thống phải tự hỏi chính mình tại sao chúng ta đã không biết chính xác sự việc cho đến tận 5 ngày sau đó.”

Ngay trước ngày diễn ra tranh luận trực tiếp, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhận hoàn toàn trách nhiệm về vụ tấn công tại Benghazi mà theo nhiều người, đó là cách để “giải cứu” Tổng thống Obama. Về vấn đề này, Tổng thống Obama nêu rõ:  “Ngoại trưởng Clinton đã đảm đương công việc của bà một cách xuất sắc. Thế nhưng là tổng thống, tôi luôn là người chịu trách nhiệm. Và đó là lý do tại sao không ai quan tâm nhiều tới việc xác định chính xác điều gì đã xảy ra hơn tôi”.

Tổng thống Obama tuyên bố, không ai trong chính quyền dám chơi trò chính trị hoặc đánh lừa dư luận khi có tới 4 công dân Mỹ thiệt mạng. Ông khẳng định, đó không phải là cách Chính phủ Mỹ làm, cũng không phải điều ông, với tư cách là tổng thống và tổng tư lệnh lực lượng vũ trang đã làm. Theo nhận định của các chuyên gia, việc nhận trách nhiệm là điểm nhấn mà qua đó Tổng thống đã thể hiện được vai trò của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ.

Theo kết quả thăm dò của kênh truyền hình CBS ngay sau cuộc tranh luận, 37% cử tri theo dõi sự kiện này cho rằng Tổng thống Obama đã có màn trình diễn tốt hơn, trong khi tỷ lệ này đối với ông Romney là 30%. Ngoài ra, 56% người trả lời cho rằng tầng lớp trung lưu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ Tổng thống Obama và chỉ 43% đặt lòng tin vào ông Romney. Dù những con số thống kê trên đang ủng hộ Tổng thống Obama nhưng phải cần vài ngày nữa thì tác động của cuộc tranh luận hôm nay mới có thể được đánh giá một cách chính xác.

Theo những kết quả thăm dò ý kiến mới nhất, ứng cử viên Romney đang dẫn trước Tổng thống Obama khoảng 1% trên toàn nước Mỹ và đang bắt kịp đương kim Tổng thống tại những bang đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử năm nay. Hai ứng cử viên sẽ gặp lại nhau tại vòng đối đầu trực tiếp cuối cùng vào 22/10 tới tại bang Florida./.