Cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ 2012 đang đến hồi gay cấn khi tối nay (22/10) (theo giờ địa phương), 2 ứng viên Tổng thống Mỹ sẽ bước vào vòng tranh luận cuối cùng tại bang Florida để thuyết phục lần cuối đối với những cử tri còn dao động.
Trước cuộc tranh luận cuối cùng cả 2 ứng viên cùng có lượng cử tri ủng hộ ngang nhau (Ảnh: AFP) |
Cuộc tranh luận được dự báo sẽ cực kỳ căng thẳng khi chủ đề cuộc tranh luận lần thứ 3 này tập trung vào chính sách đối ngoại, đặc biệt là tình hình Trung Đông và vấn đề chống khủng bố - chủ đề có thể sẽ giúp đương kim Tổng thống Obama ghi điểm nhưng cũng lại là một vấn đề nóng để ông Romney có thể “tấn công áp đảo” đối thủ sau vụ Đại sứ và 3 nhân viên ngoại giao Mỹ tại Benghazi (Libya) thiệt mạng hôm 11/9.
Bước vào cuộc tranh luận cuối cùng này, cả 2 ứng cử viên đều đang ở thế cân bằng bởi cùng có lượng cử tri ủng hộ ngang nhau. Kết quả thăm dò của NBC/WSJ hôm Chủ nhật (21/10) cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ dành cho 2 ứng viên đều là 47%; còn kết quả thăm dò của RealClearPolitics cũng cho thấy cả 2 ứng viên đều được ủng hộ ngang nhau.
NgườiMỹđã mệt mỏi với chiến tranh
Dường như, việc lựa chọn bang Florida cho cuộc tranh luận cuối cùng của 2 ứng cử viên về chủ đề chính sách đối ngoại và vấn đề chống khủng bố có mối liên hệ với nhau. Tiểu bang Florida là khu vực tập trung lượng cựu chiến binh sinh sống lớn nhất nước Mỹ. Việc thuyết phục được các cựu chiến binh – vốn đã quá mệt mỏi với những cuộc chinh chiến trong bối cảnh có nhiều nguy cơ bùng phát chiến tranh ở khu vực Trung Đông là bài toán không hề đơn giản với cả 2 ứng viên. Mặc dù ông Romney hiện đang dẫn điểm ở Florida nhưng sẽ không phải là lợi thế nếu ông Romney không thể thuyết phục được số đông quân nhân ở đây.
Aaron Cornelius, một trong số hơn 1 triệu quân nhân Mỹ đang sống ở bang Florida - người đã có 3 nhiệm kỳ phục vụ trong quân đội Mỹ, hiện đang trong cảnh mù lòa một mình chăm sóc cô con gái 11 tuổi khi người vợ vừa qua đời bày tỏ: ông đã vô cùng chán nản với các cuộc chiến tranh. Mặc dù chưa có quyết định chọn ai, nhưng tuyên bố của ứng viên Romney “úp mở” về một cuộc chiến tranh với Iran có thể xảy ra khiến ông có xu hướng nghiêng về đương kim Tổng thống Obama. Ông Cornelius thẳng thắn: “Chúng tôi không phải là cảnh sát thế giới”.
Richard White, một cựu quân nhân khác từng phục vụ quân đội từ 1962 - 1965 thừa nhận, các thế hệ cựu chiến binh Mỹ, từ già đến trẻ đều coi chiến tranh là tai họa. Ông cho rằng, "binh lính và nhân viên quân sự là một tài nguyên quý giá, nguồn tài nguyên đó cần được sử dụng một cách cẩn thận nhất có thể".
Trong khi đó, Kevin Hénault, cha của một quân nhân đang phục vụ ở Afghanistan cho biết “ông đang nghiêng về Romney, nhưng không phải 100%. Chúng tôi không mong muốn một cuộc chiến khác".
Tuyên bố của ông Romney trong một phỏng vấn trên Đài truyền hình CBS về việc có thể có hành động quân sự để ngăn cản mối đe dọa hạt nhân của Iran dường như đang làm không ít cử tri Florida do dự khi họ đã và đang phải chứng kiến hàng ngàn đồng hương của mình tham gia vào 2 cuộc chiến tranh vô nghĩa ở cách xa đất nước họ hàng ngàn dặm trong hơn một thập kỷ qua.
Kết quả một cuộc thăm dò do Ủy ban Chicago về các vấn đề toàn cầu thực hiện tuần trước cũng cho thấy, 78% người Mỹ thừa nhận nước Mỹ đã quá sa đà vào trò chơi "cảnh sát thế giới". 72% số người phản đối hành động quân sự chống lại chương trình hạt nhân của Iran mà không có sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc.
“Cơ hội vàng” cho Mitt Romney
Mặc dù đang ghi điểm với quyết định rút quân Mỹ khỏi Iraq và việc tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, tuy nhiên những thiệt hại ở Benghazi sẽ là chiếc chìa khóa giúp ông Romney có thể ghi điểm trước đương kim Tổng thống Obama nếu ông này khéo tận dụng.
Giới chuyên môn cho rằng, vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi (Libya) hôm 11/9 làm đại sứ và 3 nhân viên ngoại giao Mỹ thiệt mạng sẽ là cơ hội vàng để ông Romney có thể tấn công đương kim Tổng thống Obama trong cuộc tranh luận cuối cùng. Chính sự lóng ngóng của chính quyền Tổng thống Obama khi giải quyết vụ đụng độ ở Benghazi đã phần nào làm giảm uy tín của ông Obama khi đang cố gắng vận động dân Mỹ tin rằng chính phủ của họ đang nỗ lực đưa đất nước thoát ra khỏi các cuộc chiến vô nghĩa và lãng phí.
Bên cạnh đó, việc đương kim Tổng thống Obama dù rằng đã giành lại ưu thế sau cuộc tranh luận thứ hai, nhưng dường như kết quả này cũng không đủ mạnh để khiến tỷ lệ ủng hộ ông Obama vượt hơn hẳn so với ông Romney. Điều đó thể hiện ở kết quả thăm dò về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với 2 ứng viên hiện là tương đương nhau. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ, các cử tri được chứng kiến một cuộc đua cực kỳ kịch tính, sít sao mà người ta rất khó đoán định được kết quả.
Cuộc đua cuối cùng này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cả 2 ứng viên. Cả ông Obama và Romney sẽ phải tranh đấu tới cùng nếu muốn vượt lên trên đối thủ. Giới quan sát nhận định, cuộc tranh luận cuối cùng ở Florida có thể làm thay đổi quyết định của khoảng 5% cử tri còn chưa biết ngả về bên nào./.