Nhà Trắng ngày 2/11 tuyên bố, Mỹ sẽ tái áp đặt “các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay đối với Iran”, nhằm lĩnh vực năng lượng, tàu biển và ngân hàng của nước này.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ tạm miễn trừng phạt đối với 8 nước “đặc biệt” vẫn được tiếp tục nhập khẩu dầu lửa từ Iran, trong đó có các đồng minh và đối tác quan trọng của Washington như Italy, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

trump_trung_phat_iran_tgio.jpg
“Các lệnh trừng phạt đang tới vào ngày 5/11” – ông Trump đăng bức ảnh này kèm lời cảnh báo tới Iran trên trang Twitter cá nhân tối 2/11.

Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran từ tháng 5 với lý do thỏa thuận này “thiếu sót từ cốt lõi”. Kể từ đó đến nay, Mỹ cũng đã áp đặt lại một phần các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Iran. Tuy nhiên, động thái lần này tuyên bố tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt được cho là cứng rắn hơn cả, bởi nó nhằm vào các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế Iran.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ có hiệu lực từ ngày 5/11, nhằm vào các lĩnh vực vận tải tàu biển, đóng tàu, tài chính và năng lượng. Hơn 700 cá nhân, thực thể, tàu, thuyền… bị đưa vào danh sách trừng phạt này, trong đó có những ngân hàng, tập đoàn xuất khẩu dầu lửa và các hãng đóng tàu lớn. Đây là đợt 2 trong chiến dịch tái áp đặt trừng phạt Iran kể từ tháng 5.

Ông Trump đã đưa ra 12 yêu cầu mà Iran phải thực hiện nếu muốn được tiếp tục dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, trong đó có việc chấm dứt tài trợ khủng bố và can thiệp quân sự ở Syria cũng như ngừng toàn toàn chương trình phát triển tên lửa đạo đạo và hạt nhân.

Trong phản ứng chính thức đầu tiên, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết, nước này không hề lo ngại về các lệnh trừng phạt trên.

Iran có “kiến thức và khả năng xoay sở kinh tế đất nước” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi phát biểu trên đài truyền hình quốc gia. “Khả năng Mỹ đạt được mục đích kinh tế thông qua các lệnh trừng phạt này là rất nhỏ và chắc chắn không có chuyện họ đạt được mục đích chính trị bằng cách đó”.

Các nước Liên minh châu Âu (EU) vốn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran tái khẳng định sẽ bảo vệ các công ty trong khối tiếp tục làm ăn với đối tác Iran. Trong một thông báo chung, Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp Đức và Cao ủy EU phụ trách đối ngoại Federica Mogherini “vô cùng lấy làm tiếc” về quyết định của Mỹ tái áp đặt trừng phạt với Iran./.