Đây được xem là một sự chuẩn bị cho việc đối phó với loạt biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào lĩnh vực chủ chốt nhất của nền kinh tế nước này là dầu mỏ. Dự kiến, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 5/11 tới, tức là còn chưa đầy một tuần nữa.

iran_my_hhaz.jpg
Iran đã sẵn sàng để đương đầu với lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Ảnh cờ Mỹ (trái) và cờ Iran: Arutz Sheva

Tại Iran, các giao dịch dầu thô là nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Tuy nhiên, ngày hôm qua, chính quyền nước này đã lần đầu tiên bán dầu thô cho các doanh nghiệp tư nhân để có thể tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ sau khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ có hiệu lực dự kiến vào ngày 5/11 tới. Tại thị trường chứng khoán năng lượng, trên tổng số 1 triệu thùng dầu được đề xuất, 280 nghìn thùng đã được bán ra với giá 74,85USD/ thùng.

Phát biểu trên kênh truyền hình Press TV, Phó Tổng thống Iran Es’haq Jahangiri cho biết, dù sản lượng xuất khẩu dầu mỏ có giảm sút vài nghìn thùng mỗi ngày, song Chính phủ Iran đã chuẩn bị các kế hoạch nhằm đương đầu với những tác động tiêu cực của việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt, bằng cách duy trì xuất khẩu dầu mỏ hơn 1 triệu thùng/ngày.

Trước đó, cùng ngày, Quốc hội Iran đã thông qua một loạt quyết định cải tổ các vị trí lãnh đạo kinh tế. Bước đi này được xem là nhằm chuẩn bị tốt nhất trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Kế hoạch cải tổ được phê chuẩn trong phiên họp quốc hội được truyền hình trực tiếp trên truyền hình nhà nước Iran, bao gồm thông qua việc bổ nhiệm một loạt các Bộ trưởng mới của Iran trong lĩnh vực công nghiệp, lao động và đường sá.

Theo Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Iran đã sẵn sàng để đương đầu với cuộc chiến tranh do Mỹ phát động nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo: “Mục tiêu của họ là gì? Họ bắt đầu với một cuộc chiến tâm lý, chiến tranh kinh tế là mục tiêu trung hạn và cuối cùng là một cuộc chiến nhằm vào tính hiệu quả của hệ thống”.

Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) cùng với tuyên bố tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, cũng như những quốc gia khác có liên hệ kinh tế với nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ngày 4/11 tới là hạn chót để các nhà nhập khẩu dầu thế giới chấm dứt hoàn toàn các hoạt động mua bán với Iran nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo Đại sứ Mỹ về giải giáp vũ khí Robert Wood, mục tiêu cuối cùng của Mỹ không phải là nhằm thay đổi chế độ tại Iran, mà nhằm chấm dứt sự can dự của Iran vào vấn đề Syria và Iraq, cũng như buộc nước này phải quay lại bàn đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo.

“Một trong những mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi là sự có mặt của Iran tại Syria. Chúng tôi không muốn điều này tiếp diễn, bởi Iran là nước tài trợ số 1 cho khủng bố trên toàn thế giới. Và trong khi họ tuyên bố chống khủng bố, họ thực sự là một nguồn cho khủng bố trong khu vực và trên toàn thế giới”, ông Robert Wood nói.

Cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Iran cũng tương tự như từng làm với Triều Tiên. Đó là nước này muốn Iran phải nhượng bộ dưới sức ép của các lệnh trừng phạt, rồi sau đó sẽ tiến hành một chiến dịch ngoại giao công khai, mà kết quả là một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, không thể áp dụng mô hình Triều Tiên cho Iran. Bởi Iran hiện nay nhận được sự bảo vệ của một thỏa thuận quốc tế được sự ủng hộ cao của cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cũng nhiều lần khẳng định, Iran tôn trọng các cam kết hạt nhân.

Trên thực tế, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, các đồng minh châu Âu của Mỹ dù từng đồng lòng với Mỹ trong việc trừng phạt Triều Tiên thì nay lại hoàn toàn phản đối với việc quay lưng lại với Iran, đặt Mỹ vào thế đơn độc. Cho đến nay, Liên minh châu Âu đã gửi cho Iran 21 triệu USD viện trợ để bù đắp ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt lại với nước này.

Các nhà ngoại giao cũng chia sẻ với Hãng tin Reuters rằng, một cơ chế mới của Liên minh châu Âu tạo điều kiện thanh toán cho xuất khẩu Iran nên dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 5/11, đồng thời điểm giai đoạn tiếp theo của lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran có hiệu lực. Đây cũng chính là lý do khiến các nhà lãnh đạo Iran tự tin cho rằng, “Iran hiện nay có đủ các nguồn lực để đương đầu với mọi giông bão”./.