Tổng thống Donald Trump cho rằng Iran đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Trong khi đó, Iran và các đối tác, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực để duy trì thỏa thuận hạt nhân và đưa ra các cơ chế ứng phó với các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực vận tải, ngân hàng, dầu mỏ.

iran_oil_2_zuxq.jpg
(Ảnh minh họa: EA World View)

Kinh tế Iran, giá dầu thế giới sẽ ảnh hưởng như thế nào và cục diện quan hệ giữa các cường quốc với Iran sẽ thay đổi ra sao là vấn đề mà dư luận khu vực quan tâm.

Mỹ sẽ ngày càng cứng rắn

Sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran kỳ năm 2015, Mỹ muốn gây áp lực để các nhà lãnh đạo Iran phải xem xét lại các quan hệ và ngồi xuống bàn đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới.

Nhiều chuyên gia nói rằng có một động cơ cơ bản đằng sau các biện pháp trừng phạt là muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Iran trong khu vực, bảo vệ đồng minh Saudi Arabia và Israel. Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn Iran phát triển hạt nhân, tên lửa và hỗ trợ cho các nhóm gây bất ổn ở Trung Đông.

Sau gói trừng phạt thứ nhất có hiệu lực vào đầu tháng 8 vừa qua, gói trừng phạt thứ hai của Mỹ đối với Iran sẽ có hiệu lực vào ngày 4/11. Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm các công ty quản lý cảng của Iran, các công ty vận tải, đóng tàu, lĩnh vực năng lượng và đặc biệt là ngành dầu khí, các ngân hàng trung ương và các giao dịch tài chính bằng USD.

Các biện pháp trừng phạt này được mô tả là mạnh nhất trong lịch sử khi nhắm vào xuất khẩu dầu của Iran – một nguồn thu chủ yếu của nước này.

Mặc dù vậy, một số người ủng Tổng thống Mỹ trong Quốc hội lại lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt vào tháng 11 này không đủ cứng rắn. Những người này cho rằng áp lực tối đa phải bao gồm việc ngắt kết nối các ngân hàng Iran khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu thông qua SWIFT (hệ thống thanh toán liên ngân hàng). Nếu không làm như vậy, Iran vẫn có thể giao dịch với bên ngoài, nhất là với EU và các nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ.

Iran đáp trả linh hoạt

Trong bối cảnh đó, Iran đang tìm cách thay đổi chính sách kinh tế bằng cách thay thế một số bộ trưởng, soạn thảo các kế hoạch dự phòng - như gói kích thích tài chính, đa dạng hoá quan hệ thương mại và đầu tư, cũng như mức độ tự chủ cao hơn.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thay thế một số quan chức chính trong nhóm kinh tế của chính phủ khi ông tìm cách tăng cường sự tự lực khi đối mặt với một loạt các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Động thái này diễn ra sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các hạn chế kinh tế của Mỹ có thể đã đẩy nền kinh tế Iran vào suy thoái.

Trong khi đó, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cho biết nước này đang đối mặt với một giai đoạn nhạy cảm do áp lực của Mỹ và những khó khăn về kinh tế. Đồng nội tệ của Iran đã mất khoảng 75% giá trị kể từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, ông Khamenei khẳng định sẽ đáp trả thích đáng Mỹ và đánh bại các lệnh trừng phạt.

Mới đây một quan chức Iran nói rằng Iran có các công cụ tốt hơn để giải quyết vấn đề. Iran sẽ không có vấn đề gì khi bắt đầu giai đoạn thứ hai của các biện pháp trừng phạt.

Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri nhấn mạnh Mỹ không thể ngừng xuất khẩu dầu của Iran và chỉ ra rằng nước này đã xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng xuất khẩu hiện nay đã giảm hàng trăm nghìn thùng.

Các quan chức Iran chỉ ra rằng dự trữ ngoại hối của nước này cũng vượt quá 100 tỷ USD và có thể đã gặp phải một số áp lực vào đầu năm, nhưng có tiền gửi lớn tiền mặt chưa từng có trong nước.

Sức mạnh dầu lửa của Iran

Dầu chiếm 80% xuất khẩu của Iran. Đây cũng là nước sản xuất dầu lớn thứ 5 trên thế giới, bơm 4 triệu thùng mỗi ngày.

Hiện Iran đang khai thác khoảng khoảng 3,8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và xuất khẩu khoảng 2 triệu thùng tới 10 quốc gia châu Âu và châu Á, đứng đầu danh sách này là Trung Quốc với khoảng 600.000 thùng mỗi ngày, tiếp đó là Ấn Độ với khoảng 450.000 thùng mỗi ngày.

Cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Nhật Bản cam kết tiếp tục mua dầu thô của Iran. Tuy nhiên, các nhà phân tích hy vọng các khoản lỗ sẽ giảm xuống còn khoảng 1 triệu và 1,5 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm nay.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực vào ngày 4/11 tới chắc chắn giá dầu sẽ tăng khi nguồn cung bị thiếu hụt. Đó là chưa kể việc các nước xuất khẩu dầu mỏ đang cắt giảm, các đồng minh của Mỹ không thể khai thác bù khoản thiếu hụt 2 triệu thùng mỗi ngày. Điều này cho thấy Mỹ khó có thể cô lập hoàn toàn nên kinh tế Iran với mục tiêu là đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số 0 trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, còn EU vẫn đang tích cực duy trì dòng chảy thương mại với Iran bằng cơ chế thương mại đặc biệt.

EU vẫn khẳng định Iran tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân P5+1 và cam kết duy trì thỏa thuận cũng như thiết lập một cơ chế tạo thương mại mới với Iran nhằm tiếp tục dòng chảy thương mại giữa hai bên bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Các nhà ngoại giao châu Âu nói cơ chế này sẽ tạo ra một hệ thống hoán đổi để trao đổi dầu Iran với hàng hóa châu Âu mà không cần chuyển tiền.

Ngoài ra, Iran có thể chấp nhận các khoản thanh toán bằng đồng Euro thay vì USD nếu cần thiết. Một trong những đề xuất được EU đưa ra là duy trì một ngân hàng Iran kết nối với hệ thống ngân hàng toàn cầu thông qua SWIFT để cho phép việc tiếp tục quan hệ thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ mà không phải chịu biện pháp trừng phạt. Nhưng rất khó để đánh giá hiệu quả của cơ chế này.

Vài tuần trước lệnh trừng phạt, một lượng dầu thô Iran chưa từng có sẽ chuyển đến cảng Đông Bắc Trung Quốc trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Iran có hiệu lực.

Một nguồn tin từ Công ty tàu chở dầu quốc gia Iran cho biết công ty đã vận chuyển hơn 20 triệu thùng dầu sang Trung Quốc. 

Iran, lần đầu tiên, bắt đầu bán dầu của mình cho các công ty tư nhân thông qua trao đổi năng lượng như là một phần trong nỗ lực chống lại việc thực hiện các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Nước này đã được bán 280.000 thùng dầu thô tại thị trường chứng khoán Iran hôm 29/10.

Theo các chuyên gia kinh tế, sẽ suy giảm mạnh trong nền kinh tế Iran vào năm 2018 và gây ra suy thoái vào năm 2019 khi xuất khẩu và đầu tư giảm, lạm phát gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Lạm phát ở Iran trung bình 33,2% trong năm tài chính 2018-2019. Sau khi tăng trưởng đều đặn trong năm 2017, kinh tế Iran được dự báo sẽ giảm 1,5% và 3,6% trong 2018-2019. Ước tính tổng sản phẩm quốc nội của Iran sẽ giảm 4,3% trong năm 2019./.