Tổng thống Joe Biden cũng gửi lời cảm ơn tới Ba Lan vì có sự hỗ trợ giúp đỡ kịp thời đối với những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Chuyến thăm của tổng thống Mỹ kéo dài hai ngày bắt đầu từ 25/3 sau một loạt hội nghị thượng đỉnh về vấn đề Ukraine ở Brussels. Mỹ đã chấp nhận chia sẻ khó khăn và hỗ trợ cho 100.000 người tị nạn từ Ukraine. Theo báo cáo, Ba Lan hiện đã tiếp nhận hơn 2,2 triệu người di tản từ Ukraine, trong tổng số khoảng 3,7 triệu người đã đổ qua các khu vực biên giới ở Trung Âu trong một tháng qua. Một số người dân khác vẫn chưa thoát khỏi khu vực chiến sự Mariupol, miền đông Ukraine.

Tổng thống Biden đã nhận được một bản báo cáo tóm tắt về những nỗ lực giúp người dân di tản khỏi các cuộc tấn công của Nga bên trong Ukraine và các biện pháp ứng phó với dòng người tị nạn đang chạy trốn khỏi Ukraine ngày càng tăng ở Ba Lan. Tổng thống Mỹ cho biết, chuyến thăm của ông sẽ củng cố cam kết của Mỹ là đảm bảo các vấn đề an ninh của NATO và thúc đẩy việc giải quyết việc hỗ trợ nhân đạo cho cả trong và ngoài Ukraine.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Mỹ Biden đã gặp gỡ và dùng bữa với các binh sĩ thuộc Sư đoàn Dù số 82 của quân đội Mỹ tại sân bay Rzeszow, cách biên giới Ba Lan với Ukraine khoảng 100 km.

Về phía mình, lãnh đạo Ba Lan hy vọng rằng chuyến thăm của Tổng thống Biden sẽ củng cố vấn đề an ninh mà Mỹ đã cam kết và Warsaw mong muốn có thêm nhiều binh sĩ đóng quân ở sườn phía đông của Nato. Ba Lan dự kiến đưa ra ý tưởng về một phái bộ gìn giữ hòa bình tới Ukraine.

Trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu đang bùng phát khi chiến tranh Ukraine đã làm suy giảm nguồn cung lúa mì và buộc phương Tây phải tìm cách bù đắp cho sự thiếu hụt đó.

Bên cạnh đó, liên quan về vấn đề năng lượng, dự kiến, Mỹ và các quốc gia khác sẽ tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu thêm 15 tỷ mét khối trong năm nay và có thể sẽ tăng trong những năm tới./.