Trong cuộc gặp với các đồng minh châu Âu ở Brussels hôm 24/3, Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ tiếp nhận tới 100.000 người tị nạn Ukraine và cung cấp hỗ trợ nhân đạo 1 tỷ USD cho các nước bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nước Đông Âu đã tiếp nhận phần lớn những người tị nạn Ukraine.
Thông tin này được công bố khi chiến sự đã xảy ra ở Ukraine được một tháng, dẫn đến cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở châu Âu từ sau Thế chiến thứ hai.
Hỗ trợ tài chính rất quan trọng vì hầu hết trong số khoảng 3,6 triệu người đã rời khỏi Ukraine hiện đang ở các quốc gia như Ba Lan, Moldova và Romania. Điều này sẽ khiến các nước láng giềng của Ukraine đối mặt với gánh nặng đáng kể.
“Đây không phải là điều mà Ba Lan, Romania hay Đức phải tự gánh vác. Đây là trách nhiệm quốc tế. Mỹ - một trong nhiều nhà lãnh đạo của cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải tham gia”, ông Biden nói.
Người tị nạn sẽ đến Mỹ như thế nào?
Trong nhiều tuần qua, Nhà Trắng đã nói rằng Mỹ sẽ chào đón những người tị nạn Ukraine vào một thời điểm nào đó, bởi vậy thông báo này không phải là một điều bất ngờ. Các quan chức Mỹ nói rằng hầu hết những người tị nạn Ukraine muốn ở lại châu Âu vì họ có gia đình ở đó có thể dễ dàng trở về nhà khi tình hình trở nên an toàn hơn.
Tại cuộc họp báo, ông Biden cho biết, trong số những người tị nạn Ukraine đầu tiên đến Mỹ, có những người đã có gia đình ở Washington.
Những người tị nạn Ukraine sẽ đến Mỹ thông qua hình thức cấp thị thực theo gia đình, di dân theo chương trình nhân đạo, hoặc chương trình tị nạn của Mỹ.
Các nỗ lực về người tị nạn của Mỹ cũng sẽ tập trung vào việc giúp đỡ những người tị nạn được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương.
Chính quyền Tổng thống Biden chưa đưa ra lịch trình cụ thể nhưng đây thường là một quá trình kéo dài và giới chức cho biết tất cả 100.000 người tị nạn có thể sẽ chưa đến Mỹ trong năm nay.
Hầu hết những người tị nạn có thể sẽ định cư ở các khu vực vốn đã có đông người Ukraine sinh sống tại Mỹ. Những khu vực này bao gồm thành phố New York, Pennsylvania, Chicago và Bắc California.
100.000 người tị nạn có phải là con số lớn?
AP nhận định rằng, 100.000 người tị nạn tới Mỹ là một con số khiêm tốn so với nhu cầu thực tế, với ước tính khoảng 3,6 triệu người đã rời khỏi Ukraine và hàng triệu người khác đang di tản trong nước.
Đây cũng không phải là con số lớn so với những con số trong lịch sử. Chỉ riêng trong năm 1980, Mỹ đã tiếp nhận hơn 200.000 người tị nạn, chủ yếu đến từ Đông Nam Á. Kể từ tháng 8/2021, sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ đã tiếp nhận hơn 76.000 người Afghanistan, bao gồm một số lượng lớn các cựu thông dịch viên quân sự và gia đình của họ.
Chính quyền Tổng thống Biden, với sự tham vấn của Quốc hội Mỹ, đặt giới hạn tiếp nhận người tị nạn hàng năm cho ngân sách năm 2022 là 125.000 người, trong đó không bao gồm những người Afghanistan đã sơ tán.
Phản ứng trước việc Mỹ tiếp nhận người tị nạn Ukraine
Những người ủng hộ tiếp nhận người tị nạn đã thúc giục chính quyền Mỹ xúc tiến việc tiếp nhận ngay sau khi Nga tiến hành hoạt động quân sự ở Ukraine, ngay cả khi các cơ quan tái định cư cho người tị nạn đang gặp khó khăn do việc cắt giảm chương trình dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã giảm giới hạn tiếp nhận người tị nạn xuống mức thấp nhất lịch sử là 15.000 người.
Những người ủng hộ và một số thành viên đại diện các bang ở Quốc hội có đông người Ukraine sinh sống đã hoan nghênh thông báo hôm 24/3 của Tổng thống Biden.
“Thông báo của chính quyền Tổng thống Biden về việc tiếp nhận 100.000 người tị nạn từ Ukraine là hành động mang tính cấp thiết trong thời điểm đen tối này”, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ của bang New Jersey Bill Pascrell nói.
Quyết định này của Mỹ cũng nhận được sự ủng hộ từ công chúng.
Theo một cuộc thăm dò từ Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng của AP-NORC, đa số người dân Mỹ tham gia khảo sát (chiếm 82%) nói rằng họ ủng hộ việc hỗ trợ nhân đạo cho những người tị nạn từ Ukraine. 67% ủng hộ việc chấp nhận những người tị nạn từ Ukraine vào Mỹ, trong khi 13% phản đối và 21% người được hỏi không đưa ra ý kiến./.